Họa sĩ Văn Dương Thành và tình yêu Hà Nội

Thu Hằng| 07/05/2018 09:41

(NSHN) - Cũng giống như bao người sống và yêu Hà Nội, họa sĩ Văn Dương Thành luôn luôn ấp ủ những ký ức, hoài niệm và một tình yêu vô bờ với mảnh đất chị gắn bó suốt từ thơ bé đến nay.

(NSHN) - Cũng giống như bao người sống và yêu Hà Nội, họa sĩ Văn Dương Thành luôn luôn ấp ủ những ký ức, hoài niệm và một tình yêu vô bờ với mảnh đất chị gắn bó suốt từ thơ bé đến nay. Tình yêu ấy dồn cả vào những nét vẽ để người xem, khi ngắm những tác phẩm về Hà Nội của chị đều thấy được một Hà Nội theo dặm dài thời gian, vừa cổ xưa lại vừa hiện đại, vừa tĩnh lặng nhưng cũng không kém phần sôi động…

Tại cuộc triển lãm “Người mẹ và Thiên nhiên” diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ từ 8-3 đến 8-5 nhân kỉ niệm 40 năm hoạt động nghệ thuật của nữ họa sĩ Văn Dương Thành, tôi thật sự ấn tượng với mảng tranh hoài niệm Hà Nội của chị. Ngắm những tác phẩm về Hà Nội qua 4 mùa như những trang nhật ký ghi lại bước chân họa sĩ từ thuở ấu thơ, người xem thấy một Hà Nội vừa mang hoài niệm của ký ức lại vừa ăm ắp sắc màu của cuộc sống hôm nay.

Họa sĩ Văn Dương Thành chịu ảnh hưởng của văn hóa Hà thành dù chị không sinh ra ở Hà Nội. Chị nói: “Tôi sinh tại miền Nam nhưng cả tuổi thơ tôi gắn liền với mỗi con đường, mỗi góc phố Hà Nội. Ngày ấy, nhà tôi ở 19 Bà Triệu. Tôi thường chạy chơi với chúng bạn ở vườn hoa "Con Cóc", rồi đi nhặt sấu rơi, lớn hơn một chút thì đạp xe đi vẽ khắp Hà Nội… Những kỷ niệm tuổi thơ đã theo tôi đi suốt cả cuộc đời”.

Họa sĩ Văn Dương Thành.


Định cư tại Thụy Điển gần 30 năm nay, chọn con đường nghệ thuật hội họa trừu tượng nhưng tâm hồn Việt và làng quê Việt thì luôn ở lại trong chị và trở thành nguồn sinh lực, cảm xúc mãnh liệt nhất qua từng đường cọ. Hà Nội trong tranh của chị vừa mới lạ, vừa thân quen, lúc sôi động, lúc yên tĩnh.

Nhưng cái tài của Văn Dương Thành không phải chỉ nằm ở chỗ vẽ lại một góc phố của Hà Nội, chị mang tới cho người xem những cảm xúc đong đầy, trìu mến, thấm đượm tình yêu và nỗi nhớ quê hương khi đứng trước những tác phẩm ấy.

Năm 2017, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chọn 12 tác phẩm về đề tài kiến trúc cổ Hà Nội và thiên nhiên làng quê Việt của chị để in lịch cho Hội nghị Thượng đỉnh APEC cùng thiệp chúc Tết cho các Đại sứ Việt Nam ở nhiều nước.

Dành cả cuộc đời để phát hiện và miêu tả cái duyên của Hà Nội, lúc rảnh, Văn Dương Thành thường thơ thẩn trên những ngõ phố nhỏ như ngõ Phất Lộc, ngõ Trạm, ngõ Yên Phụ... hay đến những ngõ xa bên ngoài đê sông Hồng như ngõ An Dương, ngõ Tứ Liên... Không gian và kiến trúc ở đó không giống bất kì thủ đô của một nước nào mà chị đã có dịp đặt chân đến. Trong những bức tranh của mình, chị miêu tả sâu về kiến trúc, về không khí và những ấn tượng của một Thăng Long xa xưa và một Hà Nội sôi động hiện tại.

Với Văn Dương Thành, Ô Quan Chưởng là nét duyên dáng đặc trưng của Hà Nội. Chị đã vẽ Ô Quan Chưởng trong những thời điểm khác nhau: Dưới nắng xuân, dưới trăng thu, dưới mưa phùn…

“Dấu vết kinh thành xưa đã phai nhạt nhiều nhưng may mắn vẫn còn một Ô Quan Chưởng cổ kính để hoài niệm. Ngày còn thơ bé tôi thường đến đây chơi. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cửa ô cổ kính vẫn đứng đó, vững chãi, bình thản trước thời gian. Với nhiều người thì Ô Quan Chưởng cũng bình thường nhưng với riêng tôi, một người con xa xứ lâu ngày, giữa bao nhiêu những đổi thay của phố phường Hà Nội, sự tồn tại của Ô Quan Chưởng là rất quý” - chị nói.

Hà Nội trong tranh Văn Dương Thành.


Không chỉ là những con đường, góc phố, cửa ô, gia đình… Hà Nội trong Văn Dương Thành còn là những kỷ niệm ấm áp với các danh họa nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Văn Cao… Chị từng là niềm cảm hứng bất tận trong các sáng tác của họ.

Đặc biệt, với danh họa Bùi Xuân Phái, trong suốt 22 năm từ khi chị gặp ông cho đến khi ông qua đời (1988), ông Phái đã vẽ hơn 300 bức họa chân dung chị, trong đó có bức “Cô gái dưới trăng” được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Văn Dương Thành cũng có không ít bức ký họa chân dung ông.

Ngày xưa, chị và ông cùng nhau đi vẽ các đề tài Ô Quan Chưởng, các phố cổ Hà Nội nhưng khi trở về thì mỗi người đều có những bức họa thể hiện cá tính riêng. Phố Phái tĩnh lặng, thiên về gam màu nâu xám buồn và cô đơn còn phố của Văn Dương Thành lại nhộn nhịp đầy màu sắc, đầy sự chuyển động.

Nhắc đến ông, chị rơm rớm: “Qua những năm tháng sóng gió, Bùi Xuân Phái vẫn tồn tại với nghệ thuật của mình như một thiền sư đắc đạo. Con người nổi tiếng ấy luôn giản dị trong bộ áo sơ-mi màu xám nhạt, đạp chiếc xe đạp Đức cũ kỹ lọc xọc dạo quanh các đường phố nhỏ có những mái ngói mũi hài rêu phong cổ kính. Ông đi như vậy để thong thả tìm kiếm những vẻ đẹp ẩn náu trong những ngóc ngách của đời sống. Tôi học được ở ông niềm say mê hội họa, cống hiến hết mình cho cái đẹp và sự sáng tạo, hiền dịu vị tha trong đời thường”.

"Bùi Xuân Phái trầm tư" - Văn Dương Thành 2012.


Thời gian sống tại Stockhom, Văn Dương Thành vẽ Hà Nội bằng hoài niệm và tấm lòng của người xa xứ: “Có những năm không về ăn Tết được, tôi tưởng nhớ ông bà, cha mẹ mình bằng cách vẽ những tĩnh vật tết, vẽ bánh chưng, mâm ngũ quả… Một nhà sưu tập đã nói rằng, nhìn tranh Văn Dương Thành, bao nhiêu ấn tượng về Hà Nội đều nằm ở đó. Những bức vẽ về Hà Nội của tôi chính là nhật ký bằng tranh khắc họa những hoài niệm về Hà Nội”.

Chị nói, người nghệ sĩ không thể xa rời nguồn gốc, nếu mất đi cội nguồn thì cũng sẽ đứt đi nguồn mạch của sự sáng tạo. Vì thế, chị đi đi về về như con thoi giữa Hà Nội và Stockhom để được hít thở bầu không khí và cảm nhận sức sống ở quê nhà. Bây giờ xưởng vẽ lớn nhất của chị ở biệt thự Sen Trắng bên Hồ Tây lộng gió. Đây không chỉ là nơi chị trưng bày tác phẩm mà còn là địa điểm để nhiều người, nhất là khách quốc tế đến giao lưu, trò chuyện, tìm hiểu về văn hóa Hà Nội nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.

Chia tay với chị khi thành phố đã lên đèn. Suốt dọc đường đê Nghi Tàm tôi chợt nghĩ, có lẽ chính sự hòa hợp giữa tình yêu nghệ thuật và tình yêu đất nước, giữa tài năng và vẻ đẹp tâm hồn đã làm nên một họa sĩ Văn Dương Thành tài hoa, duyên dáng. Những sứ giả văn hóa như chị cần biết bao nhiêu.

Văn Dương Thành làm quen với cây cọ từ năm 7 tuổi, sau 12 năm học tại Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, chị tốt nghiệp Cao học Mỹ thuật năm 1980 và gặt hái được thành công từ khi còn rất trẻ, có tác phẩm đoạt giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam các năm 1972, 1974 và 1975. Chị là nữ họa sĩ Việt Nam đầu tiên giảng dạy mỹ thuật tại Thụy Điển, có tranh được sưu tầm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Stanffanstop (Thụy Điển), Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia Singapore, Bảo tàng Châu Á - Thái Bình Dương, Bảo tàng Học viện khoa học ở Ba Lan… Chị đã nhận giải thưởng Vinh danh Đất Việt 2007.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Văn Dương Thành và tình yêu Hà Nội