Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng: Ghi lại những nét duyên thầm Hà Nội

Việt Văn| 15/02/2018 22:08

(NSHN) - Ở cái tuổi gần 90 nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng không phải người hồi cố. Ông sống bằng những cảm xúc rất thật, tươi mới và chiêm nghiệm.

(NSHN) - Ở cái tuổi gần 90 nhưng nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng không phải người hồi cố. Ông sống bằng những cảm xúc rất thật, tươi mới và chiêm nghiệm. Ông đã kể về muôn mặt Hà Nội, những thân phận con người lao động nhỏ bé hay những tình yêu chân chất, ngọt ngào nơi phố thị qua những bức hình ấn tượng...

Chụp hoa đào là bảo tồn bản sắc dân tộc

Suốt 6 thập kỷ qua, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng miệt mài sáng tác, lặng lẽ ghi vào ống kính những khoảnh khắc đẹp nhất, đời thường nhất và bình dị nhất của cuộc sống. Được mệnh danh là "Biểu tượng sống của tình yêu Hà Nội", ông già tóc bạc trắng (sinh năm 1932) có nụ cười rạng rỡ đẹp như tiên ông này đã dành hàng chục năm để thực hiện nhiều bộ ảnh Hồ Gươm, phố cổ Hà Nội, nhằm ghi lại sự biến đổi nhanh chóng của Thủ đô từ cảnh quan, kiến trúc, đến lối sống của người Hà thành qua nhiều cung bậc, thời khắc thời gian suốt từ nửa sau thế kỷ XX đến thời hiện tại.

Trong căn phòng nhỏ ở xóm Hạ Hồi, vóc dáng mảnh mai của ông như bị ngập chìm giữa những bức ảnh. Quang Phùng luôn đánh số, ghi chép cẩn thận từng bức ảnh, xếp theo chủ đề dán vào từng album và viết luôn lời tựa cho chúng bằng nét chữ của một người Hà Nội gốc. Ông bảo: "Làm nghề gì cũng phải xác định anh là ai, đặc biệt trong nhiếp ảnh. Tôi là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, vì thế không có chuyện gặp chăng hay chớ, tiện gì chụp nấy. Trong chủ đề bảo tồn bản sắc dân tộc của tôi, có những đề mục nhỏ về các loại hoa tôi chụp là: Hoa cau, hoa sen, hoa hồng và hoa đào. Hoa đào là biểu trưng cho Tết, nhưng tiếc là hoa đào bây giờ đa số là hoa đào lai. 

Hoa đào chính gốc ở Nhật Tân (Hà Nội) là hoa đào thế, người ta làm quá cầu kỳ, uốn nắn nhiều quá, sinh ra giả. Chính vì đào thế uốn nhiều quá mà nảy sinh ra tệ chặt đào rừng mang về xuôi bán, vì nhiều người cảm thấy đào thành phố không còn vẻ đẹp tự nhiên nữa. Đào rừng đẹp mộc hơn, thật hơn. Để chụp hoa đào, tôi phải tìm xem tụ điểm những người bán hoa đào ở đâu để có thể chụp động và chụp thật. Hoa đào gắn với phố cổ càng hay, nó gợi lại những ký ức về phố cổ. Và tôi đã đi theo họ. Bắt chuyện với họ. Thật buồn vì người bán hoa ngày càng ít đi vì hàng hoa là hàng rong. Mà hàng rong không được đi vào phố, có tới 62 tuyến phố cấm hàng rong".


Chụp ảnh hoa đào theo góc nhìn của Quang Phùng là phải gắn liền với phố cổ Hà Nội, thể hiện những cảnh tương phản giữa hiện đại và truyền thống thì ảnh mới có ý nghĩa. Ông bộc bạch: "Bạn cứ tưởng tượng xem, đang đi giữa ồn ào xe cộ, phố xá chật như nêm mà xuất hiện người bán đào. Xưa có bà già, cô thiếu nữ mảnh mai đi bán đào, chính là đào của nhà. Còn giờ là người bán đào chuyên nghiệp. Và chuyên nghiệp mới tồn tại. Bán đào phải nhẹ nhàng vì xưa người mua đào là tinh tế. Theo bà hàng hoa, người mặt mũi đăm chiêu, khó tính không bán được, mà phải xởi lởi, có chất thanh lịch của người ven đô.

"Người mẫu" của nhà nhiếp ảnh

Trong số những nhà nhiếp ảnh Việt Nam say sưa chụp hoa đào, Quang Phùng khác biệt ở chỗ ông không chụp đặc tả những bông hoa, biểu cảm vẻ đẹp của nó mà quan tâm tới người bán đào. Ông sẵn sàng bỏ ra hàng ngày để đi theo họ, vì với ông, cái gọi là đẹp theo kiểu "nghệ thuật" không làm ông thú vị bằng cái thật của thân phận.

Quang Phùng đã chụp hàng chục người bán đào nhưng ông nhớ và quen 10 người bán đào. 5 người trong số đó nay đã giải nghệ vì không trụ được, vì sự cơ cực của nghề... Người bán đào phải đi mua hoa từ 3h sáng ở Quảng Bá. Hoa đào trồng ở đất phù sa màu mỡ không đẹp vì lớn nhanh quá, cánh hoa mỏng, dễ rơi. Hoa đào ở Nhật Tân, đất không bón tưới, cánh hoa rất đậm (dày), vừa đẹp vừa chống được gió. Trồng hoa đào như trồng ngô. Nhiều người chở đào về, gặp gió là cánh hoa rụng lả tả khắp dọc đường.

Ông kể: “Tôi nhớ nhất hai người bán đào. Người thứ nhất, năm đầu tiên, tôi theo bà ta cả 20 ngày mới hoàn thành bộ ảnh. Chụp ảnh phải học khoa ứng xử. Chụp mấy ảnh đầu tiên phải tặng ảnh cho họ. Chứ cứ đi theo lẵng nhẵng mà chụp, người bán hoa sẽ khó chịu, cho mình hãm tài, ám họ, khi giơ máy lên, họ che mặt lại hoặc ngoảnh đi. Người phụ nữ bán hoa dễ ốm vì dầm sương dãi nắng, ăn uống thất thường. Tôi đã nhiều lần đứng chụp lúc sáng sớm ở ngã tư phố Huế - Nguyễn Du, người bán hoa dựng xe đạp phía sau gác lên hòn đá, chuyên bán hoa cho những người đi làm.

Trong dòng người đi lại tất bật mưu sinh, tự nhiên, chiếc xe đạp chở hoa đào ở đâu như từ trên trời rơi xuống, như yếu tố tâm linh. Nó làm tôi nhớ lại hình ảnh vua Quang Trung tặng cành đào cho Ngọc Hân công chúa. Bà "người mẫu" bán hoa này của tôi đã trên 50 tuổi, có chồng đi phụ tá. Bà quê ở Hưng Yên, có hai con đều tốt nghiệp đại học, tất cả đều nhờ "gánh hàng hoa" này. Bà bán đào rất rẻ, nhiều khi giá nào cũng bán. Đứng ở ngã tư phố Huế - Nguyễn Du lúc đầu giờ sáng, rồi bà chở đi bán khắp phố cổ Hà Nội. Tôi và cả gia đình bà trở nên thân thiết với nhau.

Tôi nhớ lại một nhà kinh tế học người Mỹ từng nói rằng phương pháp bán hàng rong là tuyệt vời, hiệu quả phân phối nhanh và rộng khắp, là nét đặc biệt ở Việt Nam. Tết đến, mỗi gia đình đều cần một cành đào. Siêu thị nào để được hàng ngàn cành đào. Hàng rong chính là một nét văn hóa Việt Nam. Chụp đào phải tôn được vẻ đẹp tâm linh của nó, phải đặt nó giữa bối cảnh phố phường. Còn người bán đào thứ hai, tôi chụp được một năm thì bà ấy đi đâu mất... Bà ấy thường đi trên đê xuống qua Ô Quan Chưởng, tôi đã bao lần đứng chụp đón đợi ở đó. Nhưng bà ấy khó tính, hỏi chuyện, bà ấy không nói, bảo là sao ông căn vặn tôi nhiều thế, có lẽ vì gia cảnh bà ấy khổ quá, bà ấy không thích kể...”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng mủm mỉm cười bảo rằng, ông sống thật với chính mình, không màu mè. Bởi cái nghề nhiếp ảnh mà ông đi theo suốt hơn nửa thế kỷ nay đòi hỏi thế. Nhiếp ảnh là phải thật, không được diễn. Cái dòng đời cuộn trôi kia, anh chỉ bấm đánh "tách" một cái, chỉ là một khoảnh khắc. Và khoảnh khắc đó phải thật, mỗi bức ảnh phải hội đủ "chân - thiện - mỹ". Hàng vạn bức ảnh chụp nét duyên thầm Hà Nội của ông đã có nhiều ảnh hưởng đến xã hội, nhất là có ý nghĩa trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển Thủ đô ngàn năm văn hiến, thanh bình trong mắt bất kỳ ai đến với mảnh đất này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng: Ghi lại những nét duyên thầm Hà Nội