Thành phố thông minh - con người thông minh'

Vương Tuấn Anh| 14/02/2018 17:19

(NSHN) -  Hà Nội là đất di sản, đất văn hiến mang trong mình một nét rất riêng - kết tinh, lan tỏa và hội tụ. Kinh đô văn hiến ấy có đầy đủ những yếu tố, tiềm năng để phát triển thành thành phố thông minh, đó là xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ.

(NSHN) -  Hà Nội là đất di sản, đất văn hiến mang trong mình một nét rất riêng - kết tinh, lan tỏa và hội tụ. Kinh đô văn hiến ấy có đầy đủ những yếu tố, tiềm năng để phát triển thành thành phố thông minh, đó là xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ. Thành phố thông minh là một trong những mục tiêu chiến lược mà Hà Nội đang hướng tới.

1. Hà Nội đã chắt lọc những gì tinh túy nhất của mọi vùng miền đất nước và quốc tế, làm nên một Thăng Long - Hà Nội văn hiến, anh hùng. Mảnh đất Kinh kỳ - Kẻ Chợ đang chuyển mình thành một thành phố thông minh, thành phố xanh, hiện đại và đáng sống. Mục tiêu cơ bản của xây dựng thành phố thông minh là nâng cao hiệu quả năng lực quản trị, đặc biệt là đối phó với ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ công, quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên...

Mặc dù thành phố thông minh là một khái niệm mới nhưng đã nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu, một ngành kinh tế với giá trị hàng trăm tỷ đô la Mỹ. Ở đó, người dân được sử dụng nhiều dịch vụ tiện ích, tiết kiệm, môi trường sống được cải thiện hơn, công bằng bình đẳng hơn. Thành phố thông minh sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông để hỗ trợ việc tổ chức, quản lý... Tất cả các hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đều được thu thập dữ liệu thông qua các thiết bị cảm biến, máy móc để đưa về trung tâm xử lý, hỗ trợ ra quyết định xử lý chính xác, hiệu quả.

Sau khi khảo sát nhiều thành phố trên thế giới dựa trên 40 chỉ số, hãng nghiên cứu thị trường Juniper Research đã xác định 5 đô thị hình mẫu của thành phố thông minh, đó là Singapore, Barcelona (Tây Ban Nha), London (Anh), San Francisco (Mỹ) và Oslo (Na Uy). Trong số đó, Singapore và Barcelona dẫn đầu về các chỉ số như hệ thống giao thông thông minh, sự liên kết giữa các cơ quan của thành phố, khả năng công nghệ, việc sử dụng dữ liệu mở... Dubai hiện đang được xem là một trong những thành phố đi đầu trong nỗ lực xây dựng thành phố thông minh tại Trung Đông. Kể từ khi Dubai bắt đầu triển khai xây dựng thành phố thông minh, sau 12 năm đã tiết kiệm được khoảng 1,3 tỷ USD.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, một thành phố chỉ thực sự thông minh khi hội tụ đầy đủ các tiêu chí, đó là nền kinh tế thông minh, vận động thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh. Đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay và những tiêu chí này khá phù hợp với Hà Nội. Vấn đề đặt ra là Hà Nội đã làm những gì để xây dựng thành phố thông minh?

2. Từ Ngày Giải phóng Thủ đô đến nay, Hà Nội đã phát triển không ngừng, vị thế, uy tín trong nước và trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Thành tựu đạt được qua hơn 30 năm đổi mới tiếp tục là minh chứng đầy thuyết phục cho sức vươn của Thủ đô. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, Hà Nội phải đối mặt với những thách thức như: Dân số đông và phân bố mật độ dân cư không đều, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, xử lý nguồn nước, năng lượng tái tạo... Vì vậy, để phát triển bền vững, Hà Nội luôn xác định xây dựng thành phố thông minh là nhiệm vụ quan trọng, chiến lược lâu dài.

Trên thực tế, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng thành phố thông minh từ năm 2014. Đặc biệt năm 2017, lãnh đạo thành phố đã quyết tâm sớm đưa Hà Nội trở thành thành phố thông minh với mục tiêu hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, lấy người dân làm trung tâm; ưu tiên bốn lĩnh vực là y tế, giáo dục, giao thông và du lịch. Trong năm 2017, thành phố đã hoàn thành việc xác định các yêu cầu và tích cực chuẩn bị triển khai các thành phần quan trọng xây dựng thành phố thông minh như: Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của thành phố; hệ thống giao thông thông minh; hệ thống du lịch thông minh...

Hiện nay, Hà Nội đã thí điểm thành công ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (Iparking) trên tuyến phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) và tiếp tục chỉ đạo triển khai mở rộng ứng dụng Iparking tại 4 quận nội thành cũ; đồng thời triển khai hệ thống thông tin giao thông tích hợp; hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin... Đáng chú ý, hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đến tất cả các sở, ngành, UBND quận, huyện và 584 xã, phường, thị trấn; từng bước khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Hà Nội thực hiện tốt vai trò tạo tiền đề để xây dựng thành thành phố khởi nghiệp; thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, đặc biệt là trong khoa học, quản lý, nghiên cứu và phát triển.

Với những gì đã làm được, Hà Nội đang từng bước phát triển thành một siêu đô thị thông minh dựa trên nền tảng công nghệ mới, con người văn hóa, văn minh. Thành phố thông minh vừa là ước vọng, vừa là tất yếu trong tiến trình hội nhập và phát triển của Hà Nội. Vậy thành phố cần phải làm gì để nắm bắt mọi cơ hội nhằm đẩy mạnh chiến dịch thông minh?

3. Là kinh đô văn hiến, đô thị xanh, hiện đại, nơi đáng sống để tỏa sáng những khát vọng vươn lên, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh. Song để trở thành thành phố thông minh trước hết Hà Nội cần phải rà soát lại toàn bộ công tác quy hoạch và quy chế quản lý đô thị. Trong đó đặc biệt chú trọng đến quy hoạch của vùng nội đô lịch sử và phần mở rộng, quan tâm đến quản lý đất đai, không gian đô thị, hệ thống hạ tầng đô thị... Cùng với đó là phải xem xét lại vấn đề giao thông đô thị, tăng cường thêm xe buýt, bến đỗ, bãi đỗ xe công cộng và giảm thiểu lượng xe máy; hoàn thiện và có quy chế, chế tài quản lý chặt chẽ hệ thống thoát nước, cấp điện và các loại đường ống kỹ thuật khác.

Muốn xây dựng thành phố thông minh, điều kiện cần thiết là phải có hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông sẵn sàng, gồm cả hạ tầng không dây. Việc kết nối thông tin không chỉ giữa con người với con người mà còn kết nối giữa con người với vạn vật như: Giao thông thông minh, điện thông minh và tòa nhà thông minh... Thành phố thông minh cũng có thể ứng dụng công nghệ xây dựng hạ tầng thông minh cung cấp nước sạch, điện, chiếu sáng đô thị, thu gom xử lý rác thải, chống thực phẩm bẩn...

Một trong những yếu tố quan trọng khi xây dựng thành phố thông minh là xây dựng được chính quyền thông minh, tức là chính quyền kết nối được với doanh nghiệp thông minh, công dân thông minh. Cốt lõi của chính quyền thông minh là phát huy trí tuệ quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức thông minh. Muốn vậy, người cán bộ, công chức phải bảo đảm những yêu cầu về tính chuyên nghiệp như: Tinh thông nghiệp vụ; hiểu rõ và biết vận dụng những nguyên tắc quản lý điều hành khoa học và nghệ thuật; hiểu rõ và thực thi đúng quy chế công vụ. Cùng với đó, cán bộ, công chức phải có đủ phẩm chất, có tư duy, năng lực trong việc tham mưu hoạch định và thực thi các chính sách ở mức độ cao.

Như vậy, trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ cán bộ, công chức hôm nay với truyền thống ngàn năm văn hiến là phải huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh. Và tương lai tươi sáng của Hà Nội đang mở ra phía trước về một kinh đô văn hiến - thành phố thông minh, năng động, hiện đại vươn mình trong văn minh của thời đại! 

Dự kiến, dự án thành phố thông minh hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á thuộc đồ án quy hoạch hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài sẽ được khởi công vào quý 1-2018 với tổng mức vốn đầu tư lên đến 4 tỷ USD. Tập đoàn BRG là chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho toàn bộ diện tích 2.080ha. Trong đó, dự án thành phố thông minh xây dựng trên diện tích 272 ha. Dự án sẽ trải qua 5 giai đoạn, 5 mô hình liên doanh để phát triển từng giai đoạn một. Giai đoạn 1 liên danh Sumimoto - BRG sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD trên diện tích 73,11ha.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố thông minh - con người thông minh'