Vị tiến sĩ với tình yêu Hà thành đậm sâu

Quỳnh Dương| 14/02/2018 08:17

(NSHN) - Sinh năm 1949 tại phố Hòa Mã, năm 3 tuổi, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình đã theo gia đình vào Nam nên những ký ức tuổi thơ của ông về Thủ đô không nhiều...

(NSHN) - Sinh năm 1949 tại phố Hòa Mã, năm 3 tuổi, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình đã theo gia đình vào Nam nên những ký ức tuổi thơ của ông về Thủ đô không nhiều. Thế nhưng, dù đã rất thành danh ở nước ngoài nhưng tình cảm của ông với Hà Nội lại rất sâu nặng, nghĩa tình...

Lớn lên trong chất Hà thành

Dù xa Hà Nội từ tấm bé, song ông Bình vẫn nói giọng Bắc chuẩn, biết cách chế biến những món đặc sản Hà Nội như bún ốc, bún thang... và đặc biệt là món giò thủ. Những “tuyệt chiêu” nấu nướng mà mẹ truyền lại cũng theo ông Bình đi khắp mọi nơi. Ngay cả khi đã thành đạt trong sự nghiệp, song cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, ông lại tự tay làm món giò xào để đãi khách.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình cho biết, sở dĩ ông có những tố chất Hà Nội nói trên là nhờ những câu chuyện kể của mẹ - một phụ nữ gốc Hà thành. Ông Bình xúc động: “Mẹ đã chỉ cho tôi từ nét chữ đến cách ứng xử, cách sống, nếp nhà theo văn hóa người Hà Nội. Thế nên, "chất Hà Nội" vẫn luôn chảy trong tôi và lớn dần theo năm tháng qua các trang sách báo, tư liệu”.

Bước ngoặt trong sự nghiệp đến với Nguyễn Trọng Bình vào năm 17 tuổi. Nhờ tốt nghiệp trung học với số điểm xuất sắc, ông được cử đi học chuyên ngành nông hóa tại một trong những trường đại học danh tiếng ở Tokyo, Nhật Bản. Tâm sự về việc này, ông Bình cho biết, từ khi còn ở Việt Nam, ông đã luôn trăn trở khi nhìn thấy người nông dân chân lấm tay bùn, lao động cực khổ ngoài đồng nhưng thành quả lại không được bao nhiêu. Ông hy vọng, những kiến thức của mình có thể giúp hiện đại hóa ngành Nông nghiệp nước nhà, giúp người nông dân cải thiện cuộc sống.

13 năm miệt mài học tập tại đất nước Mặt trời mọc, ông đã có nhiều công trình nghiên cứu nhằm cải tiến kỹ thuật qua ứng dụng vi sinh. Ông cũng đạt bước tiến mới trong sự nghiệp bằng bản luận văn Tiến sĩ nghiên cứu về hoạt chất thiên nhiên sinh ra bởi chủng vi sinh Pseudomonas Hydrogenovora có tính kháng virus và tế bào ung thư. Nhờ kết quả nghiên cứu này, năm 1981, Nguyễn Trọng Bình được Giáo sư Wolfgang Sadee tại Ðại học chuyên ngành Y dược UCSF mời sang Mỹ làm việc tại phòng nghiên cứu của ông với học bổng nghiên cứu hậu Tiến sĩ. Tại UCSF, ông bắt đầu sử dụng phương pháp sinh hóa và phân tử sinh học để tìm ra các loại hóa dược có khả năng trở thành thuốc chống virus và ung thư. Sau thời gian này, ông tiếp tục nghiên cứu về công nghệ sinh học và sinh học phân tử tế bào. Kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình cùng các đồng nghiệp đã đóng góp cho sự phát triển của y khoa Mỹ khi đưa ra được phác đồ chữa bệnh mới cho bệnh nhân ung thư. Đó là cấy tế bào chuyển gien GmCSF tăng tính miễn dịch vào cơ thể bệnh nhân, giúp gia tăng hệ thống miễn dịch để đủ sức tự tiêu diệt các tế bào ung thư. Đây là phương pháp được Bộ Y tế Mỹ công nhận và đưa vào áp dụng tại các bệnh viện.

Sau 4 năm làm việc tại UCSF, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình chuyển sang làm cho hai tập đoàn lớn về dược phẩm của Mỹ là Roche và Pfizer. Ngoài việc tìm ra các loại thuốc điều trị ung thư, ông cũng nghiên cứu nhiều loại thuốc dùng cho người cao tuổi như đau nhức xương khớp, béo phì, giảm đường, mỡ trong máu... Những cống hiến cho khoa học của ông đã được ghi nhận thông qua 4 bằng sáng chế về thuốc do Liên minh Châu Âu và Mỹ cấp.

Một lòng hướng về quê hương

Như bao người con sinh sống và làm việc xa Tổ quốc, dù đã thành đạt ở nước ngoài, nhưng trái tim Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình luôn hướng về quê hương, mong muốn đóng góp một phần công sức vào sự phát triển của đất nước. Vì vậy, ngay khi quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam cởi mở hơn sau thời kỳ cấm vận kéo dài, năm 1991, ông về nước, kết nối với bạn bè, người quen để thực hiện dự định của mình.

Tại TP Hồ Chí Minh, ông Bình đã gặp Giáo sư Nguyễn Văn Uyển, Viện phó Viện Sinh học nhiệt đới thành phố, người ông đã quen biết trong các hội nghị khoa học tại Mỹ. Tình yêu quê hương đã khiến ông Bình không do dự khi nhận được lời mời từ Giáo sư Nguyễn Văn Uyển tham gia giảng dạy tại Viện. Kể từ đó Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình gắn bó với Viện Sinh học nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, không chỉ thông qua những lần đứng lớp mà còn trong nghiên cứu cũng như hướng dẫn nghiên cứu công nghệ mới. Với sự góp sức của ông Bình, hiện nay phòng nghiên cứu của Viện đã thành công trong việc sản xuất sản phẩm sinh học chống lại bệnh của tôm, sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học, chuyển gien thực vật, chuyển gien chuối, giúp chống lại một số bệnh về đường tiêu hóa...

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình cũng được người bạn thân là Giáo sư Huỳnh Mùi mời về nói chuyện tại Trường Ðại học Tổng hợp - nơi Giáo sư đang giảng dạy bộ môn toán. Đến giờ, ông Bình vẫn còn nguyên cảm xúc mỗi khi nhớ tới lần đầu tiên diễn thuyết về công nghệ sinh học ở giảng đường Hà Nội. Ông chia sẻ: “Tôi rất vui vì bộ môn của mình dù còn khá mới mẻ song vẫn thu hút được sự quan tâm. Nhiều sinh viên đã liên lạc với tôi để hỏi thông tin các nguồn học bổng trong lĩnh vực này. Sau này, các sinh viên đi tu nghiệp, du học đã lập ra một nhóm để trao đổi kiến thức công nghệ, khoa học, trong số đó có Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội Tạ Thành Văn”. Với tâm huyết của ông Bình và niềm đam mê của những đồng nghiệp Việt Nam như Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thành Văn, trong vòng 10 năm, Trường Đại học Y Hà Nội đã xây dựng được một đội ngũ chuyên gia về công nghệ sinh học và đã có những nghiên cứu về sinh học phân tử y học, tiếp thu từ Nhật Bản công nghệ miễn dịch, chuyển gien ung thư trị liệu - một bước tiến nhanh vào y học hiện đại với công nghệ tế bào và chuyển gien.

Đánh giá cao những đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển đất nước của ông, năm 2005, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao đã trao tặng Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình Bằng khen vì những đóng góp tích cực cho các hoạt động chuyên môn khoa học và vận động kiều bào hướng về Tổ quốc. Năm 2006, ông là một trong 15 kiều bào tiêu biểu được trao tặng danh hiệu “Vinh danh nước Việt” - một chương trình do Báo Điện tử Vietnamnet phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Với Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình, ông luôn đau đáu với tâm nguyện “đóng góp cho quê hương là tâm huyết của tôi, nếu làm việc gì để đất nước có lợi nhất tôi sẽ không từ chối".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vị tiến sĩ với tình yêu Hà thành đậm sâu