Bài cuối: Bắt đầu từ vốn văn hóa nội sinh

Minh Ngọc| 14/11/2016 06:59

Các ngành, cơ quan, đơn vị chức năng của TP Hà Nội đã và đang hướng tới những giải pháp mang tính bền vững hơn là xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức...

Các ngành, cơ quan, đơn vị chức năng của TP Hà Nội đã và đang hướng tới những giải pháp mang tính bền vững hơn là xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức; quy tắc ứng xử tại một số địa điểm công cộng; đồng thời hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng dân cư phát huy vốn văn hóa nội sinh trong mỗi con người.

Những quy tắc định hướng hành vi ứng xử

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, Bộ quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức và Quy tắc ứng xử tại một số địa điểm công cộng do Sở VH-TT Hà Nội chủ trì xây dựng đã cơ bản hoàn thiện, đang trình các cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt. Bộ quy tắc này sẽ quy định các chuẩn mực ứng xử của công chức và công dân tại các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp của TP Hà Nội và trong các quan hệ xã hội. Cụ thể, cán bộ, công chức khi ứng xử với đồng nghiệp cần tôn trọng sự đoàn kết nội bộ, đồng lòng, đồng thuận vì mục tiêu chung, không đố kỵ, lôi kéo bè cánh, tạo phe nhóm, không bôi nhọ, công kích đồng nghiệp… Đối với cấp trên phải trung thực, thẳng thắn, không xu nịnh, hối lộ; đối với cấp dưới phải gương mẫu, quan tâm sâu sát, công bằng, dân chủ, bao dung chia sẻ, kỷ luật nghiêm minh… Công chức ứng xử với công dân cần niềm nở, lịch sự, biết lắng nghe, thấu hiểu, kiên nhẫn, nhiệt tình, liêm khiết, công tâm, kiềm chế, kiểm soát hành vi trong mọi tình huống… Ngược lại, công dân trong mối quan hệ ứng xử với công chức cần lịch sự, hòa nhã, không gây sức ép, không hối lộ, nếu phát hiện thấy công chức có dấu hiệu sai phạm cần phản ánh kịp thời…

Quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng gồm những quy định về chuẩn mực ứng xử tại nơi công cộng như vỉa hè, lòng đường, vườn hoa, quảng trường, tượng đài, khu vực tín ngưỡng, tôn giáo, bảo tàng, thư viện, trung tâm thương mại, bến tàu, bến xe, khu vui chơi, giải trí… Theo đó, người dân có mặt tại địa điểm công cộng không gây tiếng ồn, không sử dụng, kích động, đe dọa bạo lực, không phóng uế bừa bãi, không hút thuốc; nên giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già, trẻ em, nên nói lời cảm ơn, xin lỗi, nên bảo vệ cảnh quan môi trường…

Theo bà Chu Thị Minh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Tây Hồ, những quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, được tiếp cận dưới góc độ ứng xử, không trái với nội dung của Luật Hành chính, không trùng lặp với nội quy của các cơ quan, đơn vị nên không khó để triển khai. Khi triển khai, bộ quy tắc này sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của công chức, bớt nạn tham nhũng, lãng phí, hách dịch, cửa quyền, tạo nét văn hóa, văn minh trong cách sống, cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức Thủ đô.

"Thổi hồn" cho thiết chế văn hóa

Song song với việc xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử, TP Hà Nội đã và đang khơi dậy sức mạnh văn hóa nội sinh từ mỗi con người, từ cộng đồng dân cư, nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực, bao bọc, nuôi dưỡng người Hà Nội.

Nhà văn hóa thôn Đoài, xã Nam Hồng (Đông Anh) trở thành “nhịp cầu nối những bờ vui” của các tầng lớp nhân dân. Cuối tháng 10 vừa qua, cựu chiến binh Đỗ Văn Tú, Ngô Văn Vĩnh và nhiều đồng đội đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn đến nhà văn hóa thôn Đoài để kể chuyện về một thời đạn bom khói lửa, về sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của quân và dân ta với thế hệ trẻ. Ngoài những buổi sinh hoạt theo chuyên đề do cộng đồng lựa chọn, nhà văn hóa thôn Đoài còn là địa điểm để những người yêu nghệ thuật hát múa, khiêu vũ; chị em phụ nữ học cách làm hoa, cắm hoa, nấu ăn, trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cái; thanh niên sinh hoạt thể thao. Em Lê Thị Thúy Hằng, đoàn viên Chi đoàn thôn Đoài chia sẻ: “Nghe những câu chuyện này, chúng em rất xúc động. Chúng em hiểu rằng, dù sống trong thời bình, nếu không nỗ lực học tập, phấn đấu, cống hiến, làm việc có ích, tuổi trẻ sẽ trôi qua vô nghĩa”.

Bà Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cho rằng, Hà Nội có kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, nhu cầu sinh hoạt, trao đổi, giao lưu văn hóa của người dân rất cao, trong khi hàng nghìn điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng không phát huy được hiệu quả là sự lãng phí rất lớn cả về vật chất và tinh thần. Do đó, chủ trương hoàn thiện, phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở theo hướng để cộng đồng là chủ thể sáng tạo, chủ thể sử dụng, đồng thời là đối tượng thụ hưởng của TP Hà Nội là hướng đi hoàn toàn đúng đắn. Cách làm này sẽ góp phần khơi dậy sức mạnh văn hóa vốn có trong mỗi con người, tạo ra môi trường văn hóa an toàn, lành mạnh, nuôi dưỡng các thế hệ kế tiếp.

Với nền tảng văn hóa sẵn có cộng với các giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc tích cực của các ngành, các địa phương, thái độ hợp tác, hưởng ứng của nhân dân, hy vọng văn hóa và con người Hà Nội trong tương lai không xa sẽ phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Bắt đầu từ vốn văn hóa nội sinh