Chế độ đãi ngộ nghệ nhân ở Hà Nội: Cần chú trọng yếu tố đặc thù

Hà Hiền| 11/05/2016 18:50

Danh hiệu nghệ nhân ưu tú kèm theo chính sách đãi ngộ là động lực nuôi dưỡng, thúc đẩy đam mê với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, giúp các nghệ nhân gắn bó hơn với việc, với nghiệp.

Danh hiệu nghệ nhân ưu tú (NNƯT) kèm theo chính sách đãi ngộ là động lực nuôi dưỡng, thúc đẩy đam mê với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể (DSVH PVT), giúp các nghệ nhân gắn bó hơn với việc, với nghiệp. Nhiều người cho rằng, chính sách đãi ngộ nghệ nhân của TP Hà Nội cần quan tâm tới đặc thù này để bảo đảm sự thỏa đáng, khả thi.

Yên tâm gắn bó với di sản

Sau khi lớp nghệ nhân gạo cội được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT, lớp trẻ có thêm niềm tin vào tương lai nên hào hứng theo học, nghiên cứu các DSVH PVT. Theo NNƯT Bùi Thị Bích Thìn, xã Tiến Xuân (Thạch Thất), số người có nhu cầu học và tìm hiểu về nghệ thuật cồng chiêng hiện nay cao hơn hẳn so với những năm trước. Các xã có đồng bào Mường sinh sống ở huyện Thạch Thất, Ba Vì, Quốc Oai và Mỹ Đức đều có nhu cầu khôi phục, giữ gìn di sản cồng chiêng. "Rất nhiều địa phương mời tôi truyền dạy cồng chiêng. Mừng hơn là đa số học viên gần đây là người trẻ. Họ theo học bằng niềm đam mê và mong muốn được gắn bó lâu dài nên tiếp thu khá nhanh", NNƯT Bùi Thị Bích Thìn cho biết.

Tương tự, số cháu trong độ tuổi đi học tự nguyện đăng ký tham gia sinh hoạt trong CLB hát Dô xã Liệp Tuyết (Quốc Oai) ngày một nhiều. Sau khóa học, các cháu được mời đi biểu diễn khiến NNƯT Nguyễn Thị Lan, Chủ nhiệm CLB hát Dô xã Liệp Tuyết - người dũng cảm bước qua lời nguyền để khôi phục, phát triển hát Dô - có thể mỉm cười hạnh phúc. Còn nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Tuyết (Hoàn Kiếm) đang đau đáu với kế hoạch mở lớp truyền dạy nghệ thuật nấu ăn cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong khu phố cổ. Đáng nói hơn, NNƯT Chu Chí Cang, CLB Ca trù An Khánh (Hoài Đức), Phạm Thị Huệ, CLB Ca trù Thăng Long… luôn tất bật với các lớp truyền dạy, các chương trình biểu diễn ca trù.

Những ví dụ nói trên cho thấy, nghệ nhân có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển DSVH PVT, do vậy việc quan tâm, đãi ngộ đúng mức chính là sự động viên rất lớn, hướng đi đúng đắn để duy trì, phát huy giá trị di sản.

Cần sự quan tâm toàn diện

Trong kế hoạch xây dựng văn hóa, con người Hà Nội giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH, trong đó có các nghệ nhân. Theo Nghị định 109/2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ, ngoài danh hiệu NNƯT và số tiền thưởng hơn 10 triệu đồng, nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực DSVH PVT được phong tặng danh hiệu có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn tùy theo mức độ sẽ được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, hưởng bảo hiểm y tế, khi qua đời sẽ được hỗ trợ mai táng phí. Thực hiện quy định này, Sở VH&TT Hà Nội đang phối hợp với các địa phương, ngành chức năng xem xét hoàn cảnh của các NNƯT để đề xuất mức hỗ trợ phù hợp.

Thực tế cho thấy, các nghệ nhân cống hiến, gắn bó lâu dài với DSVH PVT đều mong muốn được hỗ trợ thường xuyên. Thế nhưng, Hà Nội có hơn 1.000 DSVH PVT, trong đó có hơn 100 di sản cần bảo vệ khẩn cấp, số người thực hành di sản rất lớn, thì sự hỗ trợ bằng vật chất thường xuyên, dù không nhiều, cũng sẽ dẫn đến sự quá tải cho ngân sách. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, TP Hà Nội đã chủ động tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời khuyến khích các ngành, các địa phương và bản thân mỗi nghệ nhân chủ động, sáng tạo trong công tác bảo tồn, phát huy các DSVH quý giá.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tổng kiểm kê DSVH PVT trên diện rộng; đồng thời xây dựng các kế hoạch bảo tồn dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn của nhân dân. "Hướng bảo tồn, phát huy giá trị DSVH PVT như TP Hà Nội đang làm vừa phù hợp với thực tiễn, vừa theo đúng tinh thần của Luật Di sản văn hóa và Công ước 2003 về DSVH PVT, vừa góp phần hỗ trợ, tạo điều kiện cho nghệ nhân nỗ lực cống hiến", bà Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nhận định.

NNƯT ca trù Lê Thị Hân, xã Đại Thịnh (Mê Linh) cho rằng, nếu có sự đầu tư đúng hướng, ca trù cũng như nhiều DSVH PVT khác chính là tài sản và tài sản ấy sẽ là nguồn lực để nuôi sống nghệ nhân, nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật. "Tôi và một số đồng nghiệp đã, đang trăn trở với một số kế hoạch để ca trù "bén duyên" với du lịch. Nếu có sự giúp đỡ, hỗ trợ ban đầu về nguồn lực vật chất, tôi tin các kế hoạch nghệ nhân ấp ủ lâu nay sẽ trở thành hiện thực", NNƯT Lê Thị Hân tự tin cho biết.

Đồng quan điểm này, NNƯT Phạm Thị Tuyết mong muốn các cơ quan chức năng, trực tiếp là UBND quận Hoàn Kiếm sớm tiến hành quy hoạch tuyến phố ẩm thực trong khu phố cổ, giúp người dân thấy được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật ẩm thực, từ đó chung tay giữ gìn. Đó cũng là cách để gìn giữ, phát triển giá trị ẩm thực truyền thống, góp phần quảng bá du lịch, văn hóa của Thủ đô tới bạn bè trong nước, quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chế độ đãi ngộ nghệ nhân ở Hà Nội: Cần chú trọng yếu tố đặc thù