Xã miền núi An Phú dồn sức về đích

Kim Nhuệ| 19/03/2021 06:49

(HNM) - Là xã miền núi, đặc biệt khó khăn, An Phú (huyện Mỹ Đức) đã hoàn thành 17/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu về đích trong năm 2021, cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đang huy động mọi nguồn lực, dồn sức để hoàn thành các tiêu chí còn lại.

Xã An Phú hỗ trợ nhiều gia đình phát triển mô hình chăn nuôi để sớm hoàn thành tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Diện mạo xã An Phú hôm nay đã thay đổi rõ nét với nhiều ngôi nhà cao tầng, hàng quán mọc san sát dọc các trục đường làng, ngõ xóm đổ bê tông rộng rãi, phẳng lì và những vườn cây xanh mướt nối liền nhau... “Trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (năm 2009), cơ sở hạ tầng ở đây rất lạc hậu, đời sống vật chất, tinh thần của người dân rất khó khăn...”, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Đỗ Xuân Kỷ cho biết.

Ở xã An Phú không có ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thu nhập của 70% hộ dân phụ thuộc sản xuất nông nghiệp nhưng mỗi năm cũng chỉ gieo cấy được một vụ lúa xuân... Năm 2016, thu nhập của người dân chỉ đạt 15,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 38,4%...

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã An Phú ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã An Phú phát huy cao vai trò chỉ đạo và tổ chức, triển khai các phần việc liên quan; phân công, gắn trách nhiệm của các đồng chí đảng ủy viên, cán bộ chuyên môn phụ trách từng tiêu chí cụ thể, từng thôn. Cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, người dân cùng tham gia thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở, ban công tác mặt trận các thôn nêu cao vai trò, huy động sự đóng góp tiền của, công sức, trí tuệ của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới...

Nhờ sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân và đặc biệt hơn là sự quan tâm đầu tư hàng trăm tỷ đồng của thành phố Hà Nội và huyện Mỹ Đức, thời điểm này, xã An Phú đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất của người dân.

“Hiện xã An Phú còn 2 tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa đạt gồm trường học và thu nhập. Để hoàn thành tiêu chí trường học, xã đã và đang tranh thủ tối đa sự quan tâm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, con em quê hương... Đối với tiêu chí thu nhập, xã chú trọng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế hộ gia đình; trong đó, tập trung tạo sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, như: Tặng bò giống, đào tạo nghề, vay vốn phát triển kinh tế, xóa bỏ vườn tạp, cơ cấu các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung...”, Chủ tịch UBND xã An Phú Nguyễn Bá Minh cho biết.

Đến thôn Thanh Hà (thuộc diện khó khăn nhất xã An Phú trước đây), phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy rõ sự đổi thay ở đây. Dọc hai bên đường làng rộng rãi, được đổ bê tông, những ngôi nhà xây kiên cố nằm lọt giữa vườn cam, bưởi... đang kỳ đơm bông, kết trái. Nói về đời sống của người dân, Trưởng thôn Thanh Hà Lê Văn Tiến phấn khởi cho biết, nếu năm 2016, thôn có tới 65 hộ nghèo thì đầu năm 2021 chỉ còn 3 hộ. “Hiện 3 hộ dân này đã được Nhà nước tặng bò giống, hỗ trợ thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi và vay vốn phát triển sản xuất... Dự kiến, 3 hộ này sẽ thoát nghèo trong năm 2021”, ông Lê Văn Tiến nói thêm.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự vào cuộc tích cực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn và sự đồng thuận của nhân dân, An Phú sẽ sớm về đích nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã miền núi An Phú dồn sức về đích