Đổi thay ở xã miền núi Đông Xuân

Mai Sơn| 26/02/2021 06:33

(HNM) - Đông Xuân là xã thuộc vùng dân tộc miền núi của huyện Quốc Oai. Trước đây, mỗi khi nhắc tới địa phương này, nhiều người nghĩ đến hình ảnh của một xã vùng sâu, vùng xa của thành phố Hà Nội, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, vùng quê này đã đổi thay mạnh mẽ: Trở thành xã nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Xã miền núi không còn hộ nghèo

“Đông Xuân là một trong hai xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội không có hộ nghèo”, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Tất Vinh chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới.

Đúng như lời ông Nguyễn Tất Vinh nói, Đông Xuân giờ đã khác xưa rất nhiều. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Văn Sâm, toàn xã có 1.300 hộ dân, sinh sống tại 7 thôn, trong đó, 80% dân số là người dân tộc Mường. Thời gian qua, Đông Xuân được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc vùng dân tộc thiểu số của Trung ương và thành phố Hà Nội nên có nền tảng tốt để phát triển kinh tế.

Trưởng thôn Đồng Bèn (xã Đông Xuân) Bùi Văn Quyền cho biết, phát huy lợi thế tự nhiên, đất đai rộng, được chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bà con nơi đây đã cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng các loại cây ăn quả; nuôi gà đồi, lợn mán, lợn rừng, dê, bò thịt... tạo thu nhập ổn định. Đặc biệt, cây nhãn chín muộn được trồng trên địa bàn khoảng 4 năm nay rất phù hợp với khí hậu, đất đai nên đạt hiệu quả kinh tế cao. Riêng thôn Đồng Bèn có 30 hộ trồng nhãn chín muộn, cho thu nhập 200-800 triệu đồng/hộ/năm, tùy vào diện tích trồng. Trong đó, gia đình anh Bùi Văn Quyền là hộ điển hình trong phát triển kinh tế trang trại ở địa phương. Với diện tích 10.000m2 vườn đồi, gia đình anh Quyền nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả. Năm 2020 vừa qua, thu nhập từ trang trại của gia đình anh đạt hơn 300 triệu đồng.

Ngoài ra, nhiều lao động trong độ tuổi ở xã Đông Xuân hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc có thu nhập ổn định 6-12 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, góp phần nâng mức thu nhập bình quân trên địa bàn xã trong năm 2020, đạt 49 triệu đồng/người.

Bảo tồn giá trị văn hóa Mường

Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được quan tâm nhiều hơn. Nổi bật là Đông Xuân đã triển khai nhiều giải pháp lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. “Được sự giúp đỡ của huyện Quốc Oai, xã Đông Xuân đã thành lập các đội văn nghệ, đội cồng chiêng tại 7/7 thôn và thường xuyên tổ chức hoạt động biểu diễn phục vụ cộng đồng”, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Văn Sâm cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đông Xuân Nguyễn Văn Thiết, đến nay, các thôn đều có nhà văn hóa, sân vận động khang trang; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của bà con diễn ra rất sôi nổi… Trong đó, Đồng Rằng là thôn có phong trào văn nghệ mạnh nhất xã Đông Xuân. “Dịp đầu năm mới, chúng tôi thường tổ chức lễ hội du xuân với các nghi lễ, trò chơi truyền thống của dân tộc Mường. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tạm dừng các hoạt động tập thể này, song bà con vẫn ra nhà văn hóa luyện tập, nâng cao thể chất gắn với công tác phòng dịch”, Trưởng thôn Đồng Rằng Nguyễn Văn Hiện chia sẻ.

Bà Đinh Thị Dương, người dân thôn Đồng Rằng cho biết thêm: Được huyện Quốc Oai hỗ trợ mua 2 bộ cồng chiêng, thôn đã thành lập câu lạc bộ cồng chiêng với 20 thành viên, thường xuyên tham gia tập luyện và biểu diễn. Nhiều em nhỏ cũng tham gia câu lạc bộ, đây là nguồn kế cận bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mường của địa phương. Cuối năm 2020, thôn tham gia hội thi “Nét đẹp bản Mường và biểu diễn cồng chiêng” do UBND huyện Quốc Oai tổ chức và đã đoạt giải Đặc biệt.

Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống ở xã Đông Xuân giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng, thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ xã Đông Xuân phục dựng các bộ trang phục truyền thống, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường. Bên cạnh đó, huyện cũng mong muốn thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ xã Đông Xuân nói riêng, các xã dân tộc miền núi nói chung của Thủ đô phục dựng thêm những nét văn hóa đặc sắc để bảo tồn phục vụ cộng đồng và giảng dạy trong các nhà trường ở địa phương.

Việc phát triển kinh tế song hành với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đã và đang được huyện Quốc Oai tập trung triển khai để đạt được kết quả cao nhất trong việc hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Xã Đông Xuân đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu nên việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc cần được thực hiện một cách bài bản, từ đó tạo sự lan tỏa rộng rãi tới các xã thuộc vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay ở xã miền núi Đông Xuân