Thanh Trì đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi

Ngọc Quỳnh| 19/02/2021 06:38

(HNM) - Những năm qua, cùng với việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, huyện Thanh Trì đã xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực và hình thành được 2 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện. Đây là điều kiện để ngành Nông nghiệp huyện Thanh Trì duy trì sản xuất và phát triển tốt trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện nay, 2 chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn và thịt lợn phát huy hiệu quả rất tốt.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh, huyện đã xây dựng và tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm rau an toàn ở hai xã Yên Mỹ, Duyên Hà. Từ việc chưa có nhóm sản xuất liên kết chuỗi, đến nay, trên địa bàn đã hình thành được 8 nhóm với 151 hộ tham gia, diện tích 37ha; giá thu mua ổn định và cao hơn 10-15% khi chưa tham gia chuỗi, bước đầu tạo niềm tin cho người sản xuất về liên kết chuỗi.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm của các nhóm liên kết, huyện hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 109,4ha sản xuất rau tập trung ở hai xã Yên Mỹ và Duyên Hà. Huyện cũng đã tổ chức thành công 3 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm rau an toàn có truy xuất nguồn gốc tại thị trấn Văn Điển và các xã: Tứ Hiệp, Tân Triều; 80% bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện sử dụng rau an toàn của hai xã Duyên Hà và Yên Mỹ.

Cùng với chuỗi liên kết rau an toàn, huyện đã xây dựng chuỗi tiêu thụ thịt lợn theo tiêu chuẩn VietGAP giữa Công ty cổ phần Thực phẩm Song Đạt với Trang trại chăn nuôi Tiến Thành ở xã Đại Áng. Bà Dương Bạch Mai - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Song Đạt cho biết, công ty đã ký kết hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm của trang trại chăn nuôi Tiến Thành. Nhằm đưa thực phẩm sạch, an toàn, truy xuất nguồn gốc tới người tiêu dùng, công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống dây chuyền sơ chế tự động thịt lợn theo tiêu chuẩn châu Âu, công suất hơn 70 tấn thịt lợn/ngày - đêm. Do sản xuất an toàn nên được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, tổng doanh thu của công ty ước đạt 140 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 80 lao động với mức lương 7-15 triệu đồng/người/tháng.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, việc tham gia liên kết chuỗi đã tạo hiệu quả rõ nét cho tất cả chủ thể tham gia, giúp giảm tối đa chi phí sản xuất, ổn định giá bán trên thị trường, sản xuất theo quy trình rõ ràng, minh bạch, giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thanh Trì năm 2020 đạt hơn 11.700 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2019.

Để các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả, thời gian tới, Thanh Trì tiếp tục hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã về xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm hạn chế tình trạng "được mùa - mất giá", nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thanh Trì đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi