Khởi sắc nơi vùng sâu, vùng xa

Nguyễn Mai| 19/02/2021 06:20

(HNM) - Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, các xã dân tộc, miền núi nơi vùng sâu, vùng xa của Hà Nội đã được đầu tư điện, đường, trường trạm… Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của đồng bào đang khởi sắc từng ngày.

Làng quê xã miền núi Yên Bài (huyện Ba Vì) ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Đổi thay mạnh mẽ

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Nội hiện có khoảng 55.000 người, sống tập trung chủ yếu tại 14 xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ. Trong những năm gần đây, các xã vùng sâu, vùng xa của Thủ đô đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Anh Bùi Văn Quyền, thôn Đồng Bèn, xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) cho biết: Từ vườn tạp kém hiệu quả, những năm gần đây, gia đình anh đã chuyển sang mô hình vườn - ao - chuồng. Tết vừa qua, gia đình đã bán được 1.000 con gà thả vườn; 1,7 tấn cá… Thu nhập từ trang trại mang lại cho gia đình anh Quyền khoảng 300 triệu đồng/năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Bùi Văn Sâm, xã có 80% số hộ là người dân tộc Mường. Từ năm 2016, Đông Xuân đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao... “Đông Xuân thuộc tỉnh Hòa Bình được sáp nhập địa giới hành chính về Thủ đô từ năm 2008, quãng thời gian không dài song đổi thay với vùng đất này rất lớn. Cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, cơ hội phát triển ngày càng rộng mở...”, Phó Chủ tịch xã Bùi Văn Sâm chia sẻ.

Tương tự, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) cũng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế không ngừng phát triển. Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Long thông tin: Thu nhập bình quân của xã đã đạt 62 triệu đồng/người/năm - một con số rất đáng ghi nhận với một xã miền núi.

Không chỉ phát triển kinh tế, việc bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc cũng được các địa phương chú trọng. Huyện Ba Vì là địa phương có số xã dân tộc miền núi lớn nhất thành phố với 7 xã thì cả 7 xã đều đã thành lập các đội bảo tồn văn hóa dân tộc, làm công tác sưu tầm, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như lễ cấp sắc của dân tộc Dao hay tổ chức tập luyện, diễn tấu cồng chiêng Mường. Xã Minh Quang còn tổ chức hội thi nói tiếng dân tộc Mường...

Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Từ chỗ rất khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đến nay trong số 14 xã vùng dân tộc miền núi của Hà Nội đã có 8 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực này hiện chỉ còn 0,69%. Trong đó, hai xã Đông Xuân và Phú Mãn (huyện Quốc Oai) không còn hộ nghèo.

Tiếp tục tạo động lực phát triển

Có được kết quả nêu trên là bởi sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và mỗi người dân nơi đây. Theo Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Tất Vinh, thực hiện Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 15-7-2016 của UBND thành phố về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020”, thành phố đã ưu tiên nguồn vốn ngân sách đầu tư 1.255 tỷ đồng cho 89 dự án thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục, thủy lợi, giao thông... Nhiều huyện cũng chủ động nguồn vốn, như huyện Thạch Thất đầu tư 71,2 tỷ đồng cho các xã Yên Trung, Tiến Xuân và Yên Bình. Đó là nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội các xã phát triển.

“Năm 2021, Hà Nội tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đối với vùng dân tộc miền núi; đồng thời bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để khu vực này phát triển toàn diện...”, ông Nguyễn Tất Vinh nhấn mạnh.  

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết: Huyện còn 4 xã là Ba Vì, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Khánh Thượng chưa đạt nông thôn mới, nhưng hiện các xã đều đạt 15 tiêu chí trở lên. Ba Vì tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư để các xã này hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2021.

Còn Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) Bùi Văn Sâm phấn khởi: Cơ bản diện tích xã Đông Xuân nằm trong quy hoạch Đô thị Hòa Lạc. Đây là điều kiện thuận lợi để xã tiếp nhận các dự án đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất dịch vụ, tăng thu nhập cho người dân.

Để tạo thêm động lực phát triển, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) Đinh Công Long nêu mục tiêu, năm 2021 sẽ tổ chức dạy nghề và giới thiệu 300-400 lao động vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trong khu vực. Mặt khác, tận dụng lợi thế vùng đồi gò, thiên nhiên ưu đãi để trồng rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái...

Những kế hoạch phát triển dựa trên thế mạnh của mỗi địa phương sẽ tạo động lực để các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao hơn. Kinh tế - xã hội phát triển không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân mà còn kéo gần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, miền núi và miền xuôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc nơi vùng sâu, vùng xa