Đổi thay trên đất bãi Võng La

Đỗ Minh| 05/02/2021 06:19

(HNM) - Những năm gần đây, nông dân xã Võng La (huyện Đông Anh) đã biến vùng đất bãi hoang hóa trở thành những vườn cây ăn quả, ao nuôi trồng thủy sản. Cảnh quan môi trường vùng đất bãi ven sông Hồng của Võng La đang thay đổi từng ngày với các mô hình nông nghiệp sạch cho hiệu quả kinh tế cao.

Vườn cam Canh, cam Vinh của anh Nguyễn Văn Hùng trên vùng đất bãi xã Võng La (huyện Đông Anh) cho giá trị kinh tế cao.

Phát triển các mô hình nông nghiệp sạch

Từ triền đê Võng La nhìn xuống, cả một vùng đất bãi trải dài tầm mắt, màu xanh xen lẫn màu vàng của những vườn chuối, vườn cam, vườn bưởi. Đang thu hoạch những trái cam Canh cuối cùng bán cho thương lái, đưa đi tiêu thụ trong ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Đại Độ chia sẻ: "Cách đây quãng 10 năm, vùng đất bãi này bỏ hoang. Tiếc đất hoang hóa, tôi mạnh dạn hỏi thuê của các hộ lân cận để trồng cam Vinh và cam Canh. Ban đầu là 10ha rồi mở rộng lên 30ha. Loại cây này hợp với vùng đất bãi, chất lượng quả đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Mỗi năm, với 30ha trồng cam các loại, gia đình tôi thu về hơn 10 tỷ đồng”. 

Nối liền thôn Đại Độ là thôn Sáp Mai. Tận dụng ưu thế của vùng đất bãi, người dân nơi đây đã lựa chọn trồng giống chuối của Thái Lan. Anh Nguyễn Mạnh Hùng ở thôn Sáp Mai kể với phóng viên Báo Hànộimới: "Năm 2014, thấy vùng đất màu mỡ này bỏ không, tôi thuê lại để trồng chuối giống Thái Lan. Đất bãi màu mỡ không phụ công người, qua nhiều năm, đến nay gia đình tôi đã có vườn chuối rộng gần 11ha với khoảng 2 vạn gốc. Toàn bộ vườn trồng chuối đều sản xuất theo quy trình VietGAP nên tiêu thụ rất thuận lợi. Mỗi năm, vườn chuối cho thu hoạch hai vụ, thu về hơn 1 tỷ đồng. Riêng vụ Tết Nguyên đán này, gia đình tôi bán cho thương lái 1.500 buồng chuối”.

Lựa chọn hướng đi khác, ông Hà Huy Giảng ở thôn Sáp Mai, đã đầu tư phát triển mô hình trang trại tổng hợp trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh và nuôi trồng thủy sản chất lượng cao. “Với hơn 1ha trang trại tổng hợp, hiệu quả kinh tế mỗi năm đạt hơn 200 triệu đồng. Nhưng điều quan trọng là người nông dân chúng tôi đã không để đất hoang hóa và sản xuất sạch nên vừa tạo được sinh kế, vừa bảo vệ và làm đẹp cảnh quan môi trường”, ông Hà Huy Giảng nói.

Chia sẻ về sự phát triển của vùng đất bãi ven sông Hồng của Võng La, Chủ tịch UBND xã Võng La Phùng Văn Nghĩa cho biết: "Những năm trở lại đây, người dân Võng La đã biến vùng đất bị bỏ hoang nhiều năm trở thành những trang trại trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản trù phú. Ngoài hiệu quả kinh tế cho người nông dân, việc phát triển các mô hình nông nghiệp sạch đã biến đất bãi ven sông Hồng của Võng La trở thành vùng sinh thái xanh, vừa tạo cảnh quan, vừa góp phần bảo vệ môi trường".

“Đất vàng“ - vùng đệm xanh

Ông Hà Huy Giảng ở thôn Sáp Mai nói với phóng viên Báo Hànộimới: “Tôi đã hơn 70 tuổi, người làm nghề nông luôn coi "tấc đất" là "tấc vàng", khi thấy vùng đất bãi bỏ hoang thì xót xa lắm. Người dân Võng La đã "hồi sinh" vùng đất ven sông này với các mô hình sản xuất khác nhau. Chúng tôi luôn tâm niệm, dù nuôi con gì, trồng cây gì thì nông dân Võng La cũng chọn sản xuất sạch để bảo vệ môi trường và sức khỏe của chính mình”. Nói về việc phát triển mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái ở vùng đất bãi, anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Đại Độ, chia sẻ: Đô thị hóa thì vẫn cần giữ không gian xanh, vùng đệm xanh. Nếu tìm hướng đi đúng, vùng đất bãi ven sông Hồng sẽ trở thành vùng “đất vàng” và như vậy người dân nơi đây vừa có thể sống trong môi trường xanh, vừa phát triển kinh tế bền vững.

Chủ tịch UBND xã Võng La Phùng Văn Nghĩa thông tin: Hiện nay, tổng diện tích đất nông nghiệp của xã là 164ha, trong đó có 32ha trồng lúa, gần 10ha nuôi trồng thủy sản khép kín ứng dụng công nghệ cao, còn lại là diện tích vùng bãi trồng cây ăn quả. Đang trong lộ trình trở thành phường, song Võng La xác định, cùng với đô thị hóa, phát triển hạ tầng giao thông… xã vẫn duy trì vùng bãi với những mô hình sản xuất sạch để nơi đây thật sự trở thành một vùng đệm xanh. “Tận dụng ưu thế của vùng đất bãi để phát triển các mô hình trang trại tổng hợp, mô hình nông nghiệp sinh thái…, xã sẽ căn cứ theo quy hoạch để hỗ trợ nông dân về nguồn vốn và công nghệ; đồng thời trợ giúp người dân trong việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm cam và chuối của Võng La”, ông Phùng Văn Nghĩa cho hay.

Từ sự khát khao và quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, người dân Võng La đã biến vùng đất hoang ven sông trở thành những trang trại trù phú, cho thu nhập cao. Đặc biệt là ý thức tạo không gian xanh với việc lựa chọn hướng đi rõ ràng - tập trung phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái... đã đem đến những hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội.

Đến Võng La, nơi có những vườn chuối, vườn cam, vườn bưởi trĩu quả, mỗi người như cảm thấy thư thái hơn giữa cảnh sắc quê hương đang từng ngày đổi mới. Mong rằng, mô hình phát triển ở Võng La tiếp tục được nhân rộng tại những vùng bãi ven sông của các địa phương trên địa bàn Thủ đô đang trong tiến trình đô thị hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi thay trên đất bãi Võng La