Liên thế hệ giúp nhau xóa nghèo ở Vân Phúc

Thanh Bắc| 17/01/2021 06:40

(NSHN) - Tham gia “Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thôn Lầy” (xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) với các buổi sinh hoạt cộng đồng được tổ chức bài bản, lồng ghép nhiều nội dung, người dân nơi đây đang sống vui, sống khỏe và làm được nhiều việc ý nghĩa tốt đẹp cho cộng đồng và quê hương...

Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao giúp nâng cao đời sống tinh thần cho người dân xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ).

Sống vui khỏe, sẻ chia yêu thương...

Đều đặn vào 3 ngày cuối tuần, dù bận rộn với việc nhà, đồng áng nhưng bà Đặng Thị Nhì vẫn sắp xếp thời gian đến sân Nhà văn hóa thôn Lầy để tập luyện thể thao và sinh hoạt văn nghệ. “Trước đây chỉ mấy chị em trong xóm với nhau, quanh đi quẩn lại với đi bộ, chuyện trò việc đồng áng… Khi địa phương thành lập Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, tôi tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, giúp nhau làm kinh tế, chăm lo sức khỏe, tinh thần… Vào câu lạc bộ, được các em, các cháu ít tuổi hơn quan tâm chia sẻ cuộc sống hiện đại để mình không lạc hậu, được tổ chức sinh nhật mỗi năm - điều nhỏ với nhiều người nhưng với tôi chưa có bao giờ nên tôi vui lắm...”, bà Nhì phấn khởi nói. 

Chung cảm nhận, chị Nguyễn Thị Tuyết cho biết, đến với câu lạc bộ là khoảng thời gian chị dành cho bản thân rèn luyện sức khỏe, tìm được niềm vui trong cuộc sống…

Đi vào hoạt động hơn 3 năm nay, Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau của thôn Lầy đã có hơn 70 thành viên đủ lứa tuổi. Khi tham gia các hoạt động chung, cuộc sống của những người dân miền quê thanh bình này như được thêm sắc màu tươi mới.

Bà Đặng Thị Dần - Chủ nhiệm Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thôn Lầy cho biết, thôn có 302 hộ dân, chủ yếu làm nông nghiệp. Câu lạc bộ của thôn là tổ chức tự nguyện dựa vào cộng đồng, thu hút thành viên nhiều lứa tuổi. Định kỳ hằng tháng, câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt gặp gỡ, trò chuyện, truyền thông kiến thức về chăm sóc sức khỏe, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Đặc biệt, câu lạc bộ đã cử hội viên thường xuyên giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi, người già neo đơn, người tàn tật, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương... 

Cụ Đặng Thị Mai, một trong sáu cụ già neo đơn đang được thành viên câu lạc bộ chăm sóc, cho biết: “Thỉnh thoảng các hội viên lại đến nấu ăn, quét dọn nhà cửa, giặt giũ quần áo, hướng dẫn tôi tự chăm sóc sức khỏe, tôi thấy ấm áp vô cùng”.

Một tiết mục văn nghệ của các thành viên câu lạc bộ.

... và giúp nhau xóa nghèo

Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thôn Lầy còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn... Nhiều cách làm hay như sử dụng nước tro để trừ sâu tự nhiên, rất tốt cho việc trồng rau sạch; hay cách làm giá đỗ sạch; chăm sóc hoa, cây cảnh, trồng các loại cây ăn quả cho năng suất cao... đều được hội viên chia sẻ, hướng dẫn nhau thực hiện hiệu quả.

Bà Đặng Thị Nguyên - một trong những thành viên câu lạc bộ thành công với mô hình trồng rau sạch, cho biết, khu vườn rau ngay gần nhà với hơn 500m² được bố trí khoa học: Dưới là bắp cải và các loại rau ăn lá; trên là giàn bầu, bí… Nhìn khu vườn xanh tốt, sạch sẽ, đường đi lối lại ngay ngắn, vuông vức, mọi người đều trầm trồ. Ngoài rau sạch phục vụ gia đình, bà Nguyên còn bán sản phẩm cho người dân trong vùng...

“Tôi mạnh dạn vay vốn 5 triệu đồng từ câu lạc bộ để mở rộng diện tích trồng rau sạch tại nhà. Đến nay, mỗi tháng gia đình có thu nhập 6-7 triệu đồng từ vườn rau này”, bà Nguyên bộc bạch… Không riêng bà Nguyên, hàng chục hội viên khác trong thôn cũng có nguồn thu đều đặn 5-8 triệu đồng/tháng từ sản xuất an toàn.

Ông Nguyễn Xuân Chức, Phó Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Phúc Thọ cho biết, mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình mới, lần đầu tiên Hà Nội triển khai. Phúc Thọ được chọn làm đơn vị điểm. Hiện nay, huyện Phúc Thọ có 5 câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

“Thời gian đầu triển khai gặp nhiều khó khăn do là mô hình mới, song chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương và thành phố. Nhờ đó, hoạt động của câu lạc bộ luôn đi đúng hướng, bài bản, bước đầu có những kết quả rất tốt, làm tiền đề quan trọng để huyện nhân rộng ra các xã, thị trấn khác, góp phần làm phong phú đời sống nông thôn, trong đó có người cao tuổi...” - ông Chức khẳng định.

Theo Chủ tịch UBND xã Vân Phúc Bùi Văn Khóa, từ mô hình này, không chỉ hội viên trong câu lạc bộ tự giúp nhau mà còn lan tỏa tới các thôn khác trong toàn xã. Nhiều hộ gia đình, hội viên hội phụ nữ, đoàn viên thanh niên đã mạnh dạn tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng các mô hình hoạt động kinh tế đạt hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân…

Có thể thấy, mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thôn Lầy thực sự là điểm sáng về sinh hoạt cộng đồng cư dân nông thôn, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn làm phong phú giá trị văn hóa, nhân văn trong cộng đồng. Hy vọng, mô hình sẽ được nhân rộng tới nhiều địa phương trên địa bàn thành phố…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên thế hệ giúp nhau xóa nghèo ở Vân Phúc