Sôi động ở làng nghề may truyền thống Vân Từ

Ánh Dương| 08/01/2021 06:57

(HNM) - Nhờ giữ gìn và phát huy hiệu quả nghề truyền thống may comple, veston, chất lượng đời sống của người dân xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) ngày càng được nâng cao; nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên, không khí lao động sản xuất của làng nghề luôn sôi động.

Với bàn tay khéo léo của mình, người thợ Vân Từ làm ra những bộ comple, veston được khắp nơi trong cả nước biết đến.

Chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Chung Chản, mặc dù mới 27 tuổi nhưng đã mở xưởng may, thành lập Công ty TNHH một thành viên Tuyển Hạnh được 7 năm. Chị Hạnh cho biết, xưởng may của gia đình mang lại việc làm ổn định cho hơn 70 lao động trực tiếp và nhiều lao động “vệ tinh” làm tại nhà. Hiện đang vào dịp làm các đơn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, công nhân trong xưởng sản xuất của chị phải tăng ca để hoàn thành khối lượng công việc. Chị Nguyễn Thị Thảo là công nhân may của xưởng may cho biết đã có thâm niên làm nghề được hơn 10 năm, thu nhập của chị và lao động khác tại xưởng là 5-8 triệu đồng/người/tháng tùy phần việc... Mức thu nhập này đủ giúp chị trang trải chi tiêu trong gia đình.

Riêng thôn Từ Thuận - nơi đã được công nhận là làng nghề may truyền thống từ năm 2003, nay đã thành lập Hội Làng nghề may Từ Thuận với hơn 300 hội viên. Theo ông Trần Văn Tuấn, Hội trưởng Hội Làng nghề may Từ Thuận, mỗi bộ comple, veston có giá 1-5 triệu đồng, tùy chất vải; riêng công may 700.000-800.000 đồng/bộ. Sản phẩm comple, veston của Vân Từ được làm từ những bàn tay khéo léo,  kinh nghiệm, bí quyết làm nghề được truyền qua nhiều thế hệ nên khách hàng không chỉ ở Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tín nhiệm đặt hàng. Các cơ sở sản xuất cũng thường xuyên cập nhật, sáng tạo mẫu mã phù hợp thị hiếu người tiêu dùng nên người làm nghề may ở Vân Từ không lo thiếu việc.

Điểm nổi bật ở Vân Từ là hai bên đường trục chính san sát nhà cao tầng khang trang, người dân vừa ở, vừa sử dụng làm xưởng may và trưng bày sản phẩm. Không khí của làng nghề luôn sôi động, nhịp nhàng với tiếng máy may, tiếng xe ra - vào vận chuyển hàng hóa... Chủ tịch UBND xã Vân Từ Dương Quang Vi cho biết, xã có hơn 1.800 hộ dân thì số lao động tham gia làm nghề may truyền thống chiếm hơn 70%; những hộ khác làm dịch vụ, nông nghiệp… Để kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều hộ làm nghề đã áp dụng máy móc công nghệ cao trong sản xuất comple, veston. Nghề may truyền thống giúp nhiều hộ gia đình ở Vân Từ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.

“Để tạo thuận lợi cho các hộ làm nghề về mặt bằng nhà xưởng, xã đã có quy hoạch xây dựng điểm công nghiệp, đưa các xưởng sản xuất gia đình ra khu tập trung, giúp các hộ có điều kiện đầu tư trang thiết bị, máy móc dây chuyền sản xuất hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất, giảm chi phí lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Cùng với đó, xã thực hiện phát triển du lịch làng nghề, xây dựng liên kết giữa các hộ sản xuất với hộ trưng bày, bán sản phẩm, qua đó, giúp làng nghề thuận lợi trong khâu quảng bá và tiêu thụ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng”, Chủ tịch UBND xã Vân Từ Dương Quang Vi thông tin.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sôi động ở làng nghề may truyền thống Vân Từ