Cuộc sống mới ở An Hiền

Lê Dương| 19/12/2020 06:27

(HNMCT) - Đầu năm nay, thôn An Hiền được thành lập trên cơ sở hai thôn An Hiền và An Vọng thuộc xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), trong đó thôn An Vọng vào năm 2019 đã được Thành ủy Hà Nội trao tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2009 - 2019. Nhận thức văn hóa là động lực để phát triển, thôn An Hiền đã có nhiều cố gắng trong công tác dân vận và xây dựng nếp sống văn hóa, đưa nơi đây trở thành miền quê đáng sống của Thủ đô.

Chương trình 04 đã góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo văn hóa ở thôn An Hiền.

Nhiều chuyển biến tích cực

Về thôn An Hiền những ngày này sẽ thấy cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang hiện hữu trong từng nếp nhà, qua những con đường, công trình xây dựng. Chưa hết ngạc nhiên về một thư viện sách khang trang, rộng rãi ở vùng quê thuần nông, tôi thấy các bà, các chị ở Tổ phụ nữ liên kết thêu trong giờ giải lao mang sách ra đọc. Theo thủ thư Trần Quang Điền, với 2.000 cuốn sách, thư viện là kho tri thức mà người dân An Hiền luôn nâng niu, trân trọng gìn giữ. Vốn là giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội, khi về hưu ông Điền rời phố về quê sinh sống, và khi thôn có thư viện ông đã hăng hái tự nguyện trông coi.

“Xác định tri thức là điều quan trọng để thay đổi nhận thức, hành vi trong xây dựng nếp sống văn hóa nên năm 2015 dân thôn quyết tâm xây dựng thư viện từ nguồn vốn xã hội hóa hơn 200 triệu đồng. Hiện nay, thư viện mở cửa vào hai buổi chiều trong tuần, thu hút đông đảo bạn đọc ở mọi lứa tuổi. Xã hội hiện đại, con người có nhiều mối quan tâm nhưng có thể nói thư viện đã thành công trong việc thu hút người dân và đặc biệt là các em nhỏ đến với sự đọc, từ đó bồi đắp kiến thức bổ ích về văn hóa, lịch sử, pháp luật... Nhằm giúp thư viện thôn luôn mới mẻ, hấp dẫn bạn đọc, cứ ba tháng một lần Thư viện Hà Nội lại mang đến cho chúng tôi mượn các đầu sách mới”, ông Điền chia sẻ.

Người dân An Hiền bây giờ cũng như An Vọng trước đây không chỉ tự hào khi có thư viện “độc nhất vô nhị” này mà còn hãnh diện với hình ảnh “đường có hoa - nhà có số - tường có tranh bích họa” ở thôn mình. Có một điều nữa được thôn dân quan tâm, đó là 306 ngôi mộ nằm rải rác trên địa bàn thôn giờ đây đã được quy tập trong nghĩa trang của thôn. Chị Tạ Thị Mến, Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hoàng Diệu cho biết, đây là vấn đề liên quan đến tâm linh, rất nhạy cảm. Ai cũng biết đây là một việc làm tốt, cần thiết nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy khó khăn vô cùng. Tuy nhiên, nhờ quá trình thuyết phục, vận động, tuyên truyền mềm dẻo, khôn khéo, cương quyết trong thôn nên các gia đình không những đồng ý di dời phần mộ tổ tiên mà còn đóng góp tiền để xây dựng nghĩa trang thôn khang trang, sạch sẽ.

Tất cả nhờ dân vận khéo

Anh Trần Quang Huy, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn An Hiền cho biết, có được sự chuyển biến tích cực ấy tất cả là nhờ công tác dân vận khéo. Xác định việc tuyên truyền, dân vận phải thật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người, Đội tuyên truyền thôn đã sáng tác nhiều ca khúc, tiểu phẩm để làm “mềm hóa” các nội dung Quy tắc ứng xử ở nơi công cộng. “Đội đã có hai tiểu phẩm nổi bật, trong đó tiểu phẩm Chào buổi sáng đã giành giải Nhất Hội thi “Trưởng thôn thân thiện” cấp Thành phố năm 2018.

Ngoài ra, tiểu phẩm Trước ngày hội thi nói về cuộc họp toàn dân trong thôn để triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nếp sống văn hóa, cách ứng xử văn minh theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội đã được trao giải Nhì trong Hội thi tuyên truyền về Quy tắc ứng xử nơi công cộng của huyện năm 2018. Chúng tôi cũng đã sáng tác nhiều bài thơ, trong đó tiêu biểu là bài Nên làm và không nên làm đã được chuyển thể thành bài hát và được Đội tuyên truyền dàn dựng để biểu diễn tuyên truyền cũng như tham gia các hội thi của huyện”, anh Huy chia sẻ.

Vui mừng trước sự đổi thay của làng quê An Hiền, ông Đào Danh Dũng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu nhận định, các chương trình công tác được triển khai theo chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội về xây dựng nông thôn mới, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh không chỉ mang đến cho nông thôn Hà Nội một bộ mặt mới mà còn làm thay đổi diện mạo văn hóa ở cơ sở, tô thắm thêm hình ảnh người nông dân Thủ đô trong bức tranh nông thôn mới. “Với sự nỗ lực, đồng lòng của các cấp chính quyền và người dân địa phương mà giờ đây thôn An Hiền đã thực sự khởi sắc, trở thành một miền quê giàu đẹp, văn minh, nồng ấm tình người. Tôi cho rằng, những mô hình sáng tạo mà An Hiền đã và đang triển khai là rất đáng hoan nghênh, cần được nhân rộng trên địa bàn ngoại thành Hà Nội”, ông Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc sống mới ở An Hiền