Phùng Xá giữ nghề truyền thống

Minh Phú| 05/12/2020 13:23

(NSHN) - Vài chục năm về trước, Hà Nội có nhiều làng quê có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa như: Thuần Mỹ, Cổ Đô (huyện Ba Vì); Canh Nậu, Hương Ngải (Thạch Thất), Phùng Xá, Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức)... Tuy nhiên, với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải đã dần mai một. Hiện, trên địa bàn thành phố chỉ còn người dân xã Phùng Xá vẫn nỗ lực giữ nghề truyền thống.

Bãi dâu xanh bên dòng sông Đáy.

Thăng trầm cây dâu, cái kén...

Không chuyên dệt như làng dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), người dân Phùng Xá thực hiện tất cả các công đoạn của nghề truyền thống: Từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ đến dệt, nhuộm vải... 

Từ cuối những năm 60 đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, làng Phùng Xá được mệnh danh là “Thủ phủ dâu tằm” khi Xí nghiệp Tơ tằm Mỹ Đức (nay là Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam) phát triển thịnh vượng. Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim ấy không kéo dài được lâu...

Công đoạn chăn tằm.

Với lòng yêu nghề, muốn giữ nghề cho con cháu, một số người dân xã Phùng Xá, trong đó có Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, luôn cố gắng tìm tòi, nghiên cứu nhằm hồi sinh nghề trồng dâu nuôi tằm của quê hương. Bà Phan Thị Thuận cho biết: "Gắn bó với lá dâu, con tằm từ thuở nhỏ, hiểu rõ vẻ đẹp của nghề nên khi thấy các hộ gia đình lần lượt bỏ nghề, tôi rất buồn. Quyết giữ nghề truyền thống, tôi đi xin lá của những vạt dâu còn sót lại để nuôi tằm. Sau này, tôi tìm được nguồn cung cấp lá dâu ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) cách nhà 20km, từ đó, ngày nào cũng đi lấy lá về chăn tằm. Dần dần, một số hộ gia đình tâm huyết cũng giữ nghề nuôi tằm, ươm tơ và được chính quyền tạo điều kiện. Nghề dệt lụa truyền thống quê tôi cứ thế hồi phục...".

Các công đoạn xe tơ, guồng tơ.

Vực dậy nghề truyền thống

Trong tiết trời gió lạnh những ngày này, bãi dâu bên dòng sông Đáy vẫn xanh ngút ngàn. Tay thoăn thoắt hái từng nắm lá, bà Đỗ Thị Sơn, một hộ dân ở xã Phùng Xá cho biết: "Đây là thức ăn chính của tằm. Tôi thường hái dâu vào sáng sớm. Dâu để chăn tằm phải là những lá non, tươi và sạch”.

Chăn tằm là nghề bận rộn, bởi thế mới có câu: Nuôi tằm ăn cơm đứng. Theo bà Sơn, mỗi ngày tằm ăn 7 bữa, mỗi bữa cách nhau 3 giờ. Khi tằm nhỏ, lá dâu cũng được thái nhỏ để tằm dễ ăn. Thông thường, 1 lứa tằm nuôi 20 ngày sẽ chín và nhả tơ, là nguyên liệu để dệt thành vải.

Tơ tằm tiếp tục trải qua rất nhiều công đoạn, cần nhiều công sức, thời gian cũng như tâm huyết của người thợ như kéo sợi, xe tơ, guồng tơ. Tùy chất lượng tơ và cách xoắn sẽ có các loại tơ với chất lượng khác nhau... Tiếp đó là công đoạn dệt vải. Người thợ dệt pha trộn các loại sợi dọc và ngang để tạo ra nhiều loại vải với hoa văn và độ dày - mỏng khác nhau... Đây là những thước vải quý có đặc tính khi mặc thì cho cảm giác mát mẻ vào mùa hè, ấm vào mùa đông, lại vẫn đủ mềm mại, sang trọng... 

Tơ tằm được dệt thành những tấm lụa.

Nhuộm màu cho lụa.

Sau khi dệt, lụa được nhuộm màu. Với bí quyết pha trộn màu tự nhiên, người Phùng Xá tạo ra những tấm lụa có màu sắc đẹp mắt.

Hiện, Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức do bà Phan Thị Thuận làm “thuyền trưởng” đang tạo việc làm cho hàng chục lao động. Đặc biệt, nghệ nhân Phan Thị Thuận năm 2010 còn sáng chế ra cách để con tằm tự dệt tấm chăn. Ấy là, tạo đúng khuôn theo kích thước mình cần, để lứa tằm lên đó, kê khuôn lên cao để tằm “đủ sợ’’, không bò ra khỏi khuôn và cứ thế mải miết nhả tơ, tự dệt nên những tấm chăn bông tơ tằm độc đáo...

Những sản phẩm lụa tơ tằm tinh xảo được hình thành qua rất nhiều công đoạn, thời gian, trí tuệ của thợ dệt lụa Phùng Xá (huyện Mỹ Đức).

Theo Bí thư Đảng ủy xã Phùng Xá Nguyễn Văn Kiên, từ nỗ lực vực dậy nghề truyền thống, các hộ dân ở xã Phùng Xá bước đầu thành công với những sản phẩm lụa tơ tằm chất lượng cao, vừa làm giàu cho cá nhân, vừa góp phần giữ nét đẹp đặc trưng của vùng quê ven dòng sông Đáy.

Mới đây, sản phẩm khăn tơ tằm, chăn tơ tằm tự dệt và khăn tơ sen của xã Phùng Xá đã được huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội đánh giá là sản phẩm tiềm năng 5 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Với kết quả này, thành phố sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương tiếp tục đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao – thứ hạng cao nhất trong thang bậc đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phùng Xá giữ nghề truyền thống