Động lực để Sóc Sơn phát triển

Hoàng Văn| 27/11/2020 06:42

(HNM) - Từ việc thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội ngày 29-8-2011 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2011-2015, Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội 26-4-2016 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, nông thôn ở huyện Sóc Sơn đã có bước phát triển toàn diện: Cơ sở hạ tầng khang trang; kinh tế chuyển dịch tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Thành quả này là tiền đề quan trọng để Sóc Sơn tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao...

Những ngày đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Sóc Sơn gặp không ít khó khăn, trung bình mỗi xã chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Cuối năm 2010, huyện phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Bà Đoàn Thị Bình ở xã Phù Lỗ cho biết: “Trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân trong xã đã hiến được gần 1.000m2 đất ở để mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây dựng nhà văn hóa...”. 

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đông Xuân Nguyễn Văn Quá, xác định xây dựng nông thôn mới để phục vụ nhân dân nên sau khi đạt nông thôn mới năm 2015, đến nay xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp hàng tỷ đồng để nâng cao các tiêu chí như: Giao thông, nhà văn hóa, trường học, quy hoạch vùng sản xuất... Đảng ủy xã đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

Tương tự, tại các xã: Minh Trí, Tân Hưng, Xuân Giang, Nam Sơn, Bắc Sơn... phong trào xây dựng nông thôn mới cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Trong 10 năm qua, toàn huyện Sóc Sơn đã huy động được gần 4.400 tỷ đồng cùng hàng nghìn ngày công để xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đến tháng 8-2020, đã có 25/25 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, trong đó có nhiều tiêu chí đạt cao như: 100% số đường liên thôn được cứng hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm, còn 1,06%...

Song song với đầu tư xây dựng nông thôn mới, huyện Sóc Sơn cũng quan tâm phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân hằng năm đạt 9,64%; trong đó, ngành dịch vụ tăng 11,89%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,06% ... Huyện đã hình thành 32 vùng sản xuất chuyên canh tập trung, cho giá trị kinh tế cao; xây dựng được 7 thương hiệu, 9 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản... Năm 2020, thu nhập bình quân của huyện Sóc Sơn dự kiến đạt 53,2 triệu đồng/người/năm...

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt thành công bước đầu. Song, xác định, xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với thực hiện năm trật tự và văn minh đô thị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tập trung, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân... “Huyện Sóc Sơn phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tạo nền tảng vững chắc cho lộ trình trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô”, ông Phạm Văn Minh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực để Sóc Sơn phát triển