Bảo tồn giống bưởi chua đầu tôm ở Sài Sơn

Hoàng Văn| 18/11/2020 07:15

(HNM) - Hiện nay, ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) có 7 cây bưởi chua đầu tôm được trồng cách đây hơn 30 năm. Đây là giống bưởi quý, số lượng ít, chất lượng ngon nên được các cấp, ngành, địa phương trong huyện đưa vào diện cần được bảo tồn và phát triển mở rộng thành cây ăn quả hàng hóa.

Ông Nguyễn Tuấn Văn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sài Sơn cho biết: Ưu điểm và đặc tính khác biệt của giống bưởi chua đầu tôm là khi ăn có vị hơi chua ở đầu tôm, ngọt thanh ở đuôi tôm, độ đường đạt 10,5-12%, quả tròn đều, mỏng vỏ, khối lượng trung bình đạt 720 gam/quả. Mỗi quả có 13-15 múi, mọng nước, không the đắng. Năng suất trung bình của cây bưởi trồng 10-12 năm đạt 100-200 quả/năm. Đặc biệt, bưởi chua đầu tôm chống chịu sâu bệnh tốt, thời gian thu hoạch quả vào giữa tháng 10 đến đầu tháng 11 dương lịch hằng năm, sớm hơn bưởi Diễn khoảng 2 tháng nên được thị trường ưa chuộng.

Để bảo tồn giống bưởi đặc sản này, năm 2017, Trung tâm Tài nguyên thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với UBND huyện Quốc Oai nghiên cứu, lập hồ sơ đánh giá chất lượng và đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội bình tuyển, công nhận 3 cây bưởi chua đầu tôm của gia đình ông Tạ Đức Nhuận và 4 cây của gia đình ông Nguyễn Văn Lữ ở thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn là những cây bưởi đầu dòng. Đây là những cây bưởi đã cho năng suất ổn định trong nhiều năm.

Ông Tạ Đức Nhuận ở thôn Phúc Đức cho biết: Những cây bưởi được chọn là niềm tự hào của gia đình, vì từ đây sẽ nhân giống ra những cây bưởi chất lượng cung cấp cho nhân dân địa phương. “Từ khi được công nhận là cây bưởi đầu dòng, mỗi năm gia đình tôi cung cấp hàng trăm cành bưởi giống cho các hộ dân trong xã chiết, ghép mở rộng diện tích. Ngoài ra, khi thu hoạch, được thương lái mua buôn với giá 25.000 đồng/quả, tăng hơn 5.000 đồng/quả so với trước kia”, ông Tạ Đức Nhuận cho biết. Còn ông Phan Minh Hiền ở thôn Đa Phúc nói: “Khi biết được giá trị của giống bưởi này, tôi đã chuyển 100 gốc bưởi Diễn trồng được 5 năm sang ghép giống bưởi chua đầu tôm. Năm tới, tôi tiếp tục mở rộng ra toàn bộ diện tích vườn trại của gia đình”.

Trao đổi thêm về giống bưởi chua đầu tôm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc cho biết: Ngay sau khi được Sở NN&PTNT Hà Nội công nhận cây đầu dòng cho 7 cây bưởi chua đầu tôm ở thôn Phúc Đức, huyện đã bắt tay ngay vào kế hoạch khôi phục giống và phát triển thành vùng trồng cây ăn quả chủ lực của địa phương. Trong đó, năm 2018, Phòng Kinh tế huyện đã phối hợp với UBND xã Sài Sơn mở rộng được 3ha bưởi chua đầu tôm; năm 2020 tăng lên thành 10ha; phấn đấu đến năm 2022, mở rộng diện tích lên 30ha.

Hiện nay, huyện Quốc Oai còn hỗ trợ xã Sài Sơn đăng ký thành công mã vạch truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm bưởi chua đầu tôm; đồng thời, đang trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể “Bưởi chua đầu tôm” cho xã Sài Sơn. Kết quả này đã góp phần bảo tồn thành công giống bưởi quý và mở ra hướng làm giàu cho người dân địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn giống bưởi chua đầu tôm ở Sài Sơn