Xây dựng nếp sống mới từ những hành động hằng ngày

Gia Bảo| 14/11/2020 12:26

(HNMCT) - Ra mắt từ tháng 5-2020, mô hình “Làng quê an toàn” tại xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) với 12 tiêu chí an toàn và 5 yếu tố cần có đã góp phần xây dựng môi trường sống an toàn tại làng quê, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em. Đây là mô hình thí điểm, được triển khai với mục đích hình thành nếp sống văn minh, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Một buổi tuyên truyền của mô hình.

Thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn

Đến xã Phú Túc vào thời điểm này mới thấy được sự "thay da đổi thịt" của làng nghề cỏ tế nổi tiếng của huyện Phú Xuyên. Sự thay đổi ấy không chỉ thể hiện qua những căn nhà khang trang, mà còn là những cung đường to, đẹp, đặc biệt là con đường hoa dài hơn 2km nối từ đầu đường 429 đến giáp khu vực xã Hoàng Long. Không chỉ vậy, trên địa bàn 8 thôn của xã đều có những con đường hoa và các bức họa về nông thôn mới.

Chị Đặng Thị Phượng, một người dân sống ở thôn Hoàng Xá (xã Phú Túc), đồng thời là thành viên tích cực của mô hình “Làng quê an toàn”, vui mừng cho biết, những ngày cuối tuần, gần 30 thành viên của mô hình lại cùng nhau dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chăm sóc hoa. Chị Phượng khẳng định: “Sau mỗi ngày lao động mệt nhọc, trở về nhà trên con đường hoa, thấy đường về nhà như ngắn lại. Con đường hoa không chỉ làm bộ mặt nông thôn xã thêm xanh - sạch - đẹp, mà còn giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống”.

Nhìn căn nhà vững chãi, sạch sẽ, thoáng mát rộng hơn 60m2 được lợp tôn lạnh của chị Lê Thị Thuyết (sinh năm 1970, ở thôn Hoàng Xá), không ai nghĩ rằng chỉ vài tháng trước đây đó là căn nhà đã xuống cấp trầm trọng. Chị Thuyết là mẹ đơn thân, con trai đang học năm thứ 2 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhưng đau ốm liên miên. Chị Thuyết làm nghề quét dọn vệ sinh với mức lương hơn 1 triệu đồng mỗi tháng nên ước mơ sửa chữa hay xây mới ngôi nhà là quá xa vời. Chính vì thế, khi mô hình “Làng quê an toàn” giúp mẹ con chị xây dựng căn nhà kiên cố, khang trang, chị xúc động trào nước mắt.

Chị Thuyết tâm sự: “Có nằm mơ mẹ con tôi cũng không nghĩ sẽ có ngày được sống dưới mái nhà này. Vậy là từ nay mỗi khi mưa bão, mẹ con tôi không phải nơm nớp lo âu, sẽ không phải mang chậu hứng nước dột trong nhà nữa”.

Chị Nguyễn Thị Phương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Lưu Xá cho biết, từ nguồn vốn hỗ trợ cho chị em có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người đã cố gắng ổn định cuộc sống. “Trong thôn có chị Phạm Thị Hương được hỗ trợ vay không lãi, chị đã mua máy khâu, mở cửa hàng cắt may tại nhà. Chị Nguyễn Thị Phương Linh thì mua thêm lợn, gà, vịt để phát triển chăn nuôi. Cũng nhờ số vốn ban đầu tuy ít ỏi nhưng ý nghĩa này mà đến nay các chị đã thoát nghèo”, chị Phương khẳng định.

Hoạt động thiết thực, hiệu quả

Cô giáo Lê Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Túc, một trong 13 người trong Ban Điều hành mô hình “Làng quê an toàn” đánh giá, đó là mô hình thiết thực, ý nghĩa, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em.

"Trung tâm Trợ giúp pháp lý thành phố Hà Nội, chi nhánh 6 tại huyện Phú Xuyên đã tổ chức 2 buổi tuyên truyền cho học sinh nâng cao kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực học đường và tư vấn về quyền trẻ em. Sau các buổi tuyên truyền, các em hiểu hơn về pháp luật. Nếu trước đây các em học sinh hư hay tụ tập, đánh nhau ở khu vực cổng trường thì nay không còn hiện tượng này nữa. Các em gái biết cách tự bảo vệ mình, đồng thời trở thành những tuyên truyền viên tích cực tham gia phổ biến kiến thức đến người thân và bạn bè. Các em biết sử dụng mạng xã hội đúng cách, an toàn. Những buổi tuyên truyền này thực sự hữu ích”, cô giáo Hương cho biết.

Theo chị Nguyễn Thị Vi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Túc, Phó Trưởng ban Điều hành mô hình “Làng quê an toàn”, mô hình hướng đến mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa bạo lực gia đình, phòng, chống nạn mua bán người và xâm hại tình dục, bạo lực học đường, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm...

“Để bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ yếu thế, mới đây Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật tự lực của xã đã ra mắt. Ngoài ra, Hội đã tổ chức 2 đợt khám miễn phí nhằm giúp hội viên phụ nữ tầm soát bệnh tật, có phương pháp chữa trị bệnh sớm”, chị Vi nhấn mạnh.

Dù kết quả bước đầu khá khả quan, tuy nhiên, chị Vi cho rằng đây là mô hình mới, việc triển khai công tác đúng với yêu cầu đề ra là điều hết sức khó khăn, những bỡ ngỡ, lúng túng trong quá trình “tìm đường đi” là không tránh khỏi. Nếp sống mới cần được xây dựng từ những hành động hằng ngày, bằng sự đồng lòng từ trên xuống dưới của cả hệ thống chính trị. Bởi vậy, chị Vi mong muốn các tổ chức, đoàn thể các cấp, đặc biệt là chính quyền xã chung sức, đồng lòng quan tâm, hỗ trợ để việc triển khai mô hình đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nếp sống mới từ những hành động hằng ngày