Đưa phế liệu đến hành trình sống xanh

Đỗ Minh| 06/11/2020 06:24

(HNM) - “Đưa phế liệu đến hành trình sống xanh” là mô hình do Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm triển khai nhằm hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”. Mô hình này đang tạo ra sức lan tỏa lớn tới người dân địa phương, góp phần nhân lên những nét đẹp văn hóa, hình thành những nếp nghĩ, nếp sống thân thiện với môi trường.

Người dân đến điểm đổi phế liệu lấy cây xanh, lợn tiết kiệm của Chi hội phụ nữ tổ dân phố Đuống 2, thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm).

Hành động nhỏ mang ý nghĩa lớn

Vào ngày chủ nhật cuối tháng 10, chị Phan Thị Thu Huyền, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố Đuống 2, thị trấn Yên Viên lại đến điểm đổi phế liệu nhận chai lọ, hộp bút, các dụng cụ học tập bằng nhựa đã hỏng… của người dân. Chị Huyền cho biết: "Nhiều người vẫn giữ thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần, rồi để chung với rác thải nên hội viên phụ nữ chúng tôi đã kiên trì tuyên truyền, vận động họ phân loại rác, đồ nhựa dùng một lần để đổi lấy những chậu hoa nhỏ, con lợn tiết kiệm... với mong muốn làm sao để thay đổi thói quen vì một môi trường sống xanh, sạch cho hôm nay và cả mai sau".

Theo chị Đặng Thị Hiếu, tổ dân phố Đuống 2, hằng ngày ngồi phân loại từng chai, lọ, các phế liệu nhựa của các gia đình, chị mới thấy đồ nhựa dùng một lần rất nhiều. Tham gia mô hình này, chị nhận thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn với chính môi trường đang sống. Còn chị Nguyễn Thị Hồng Minh, tổ dân phố Thái Bình cho biết: “Mỗi lần nhận về những khóm hoa cúc, con lợn tiết kiệm…, tôi lại nói với mọi người rằng, “bỏ đi một chai nhựa, có được một khóm hoa”, cứ như vậy chẳng mấy chốc thị trấn Yên Viên sẽ xanh, sạch”.

Nói về việc triển khai mô hình “Đưa phế liệu đến hành trình sống xanh”, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Yên Viên Khúc Thị Mỹ Huệ cho biết, thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, cùng với việc vận động người dân sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường, Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn đã triển khai mô hình “Đưa phế liệu đến hành trình sống xanh”. Cùng với việc tuyên truyền, vận động 100% cán bộ hội viên, phụ nữ và người dân thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn, hội tổ chức phong trào thu gom phế liệu nhựa, pin đã qua sử dụng... để đổi lấy các sản phẩm thân thiện với môi trường... 

Triển khai từ giữa tháng 12-2019 đến nay, mô hình này đã thu gom hơn 500kg phế liệu, 21kg chai nhựa, 200 quả pin cũ và đã đổi được 192 cây xanh, 60 con lợn đất tiết kiệm, 205 cuộn túi đựng rác tự hủy sinh học. Từ những vật liệu nhựa được người dân mang đến đổi, các hội viên cùng nhau tái chế thành chậu trồng hoa treo tại nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng của các tổ dân phố trên địa bàn, hay những vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình như hộp đựng túi ni lông, đựng rác thải sinh hoạt.

Sức lan tỏa của phong trào

Không dừng lại ở mô hình “Đưa phế liệu đến hành trình sống xanh”, Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Yên Viên còn triển khai hiệu quả cuộc thi “Chi hội phụ nữ thực hiện xây dựng thôn, tổ dân phố xanh tươi, sạch, đẹp” do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Lâm phát động. Thời gian qua, nhiều chi hội phụ nữ tổ dân phố như Thái Bình, Yên Hà, Yên Tân… đã có những việc làm tuy nhỏ nhưng hết sức hiệu quả để mỗi tổ dân phố trở thành “lối đi về”, nơi đáng sống của mỗi người dân.

Thực tế cho thấy, việc vận động người dân đóng góp tiền, ngày công để đặt ghế đá tại các sân chơi nhà văn hóa; trồng cây xanh, bổ sung cây cảnh, các loài hoa như ngũ sắc, thạch thảo tím, chuỗi ngọc... vào các bồn hoa, đường hoa đã làm nên một môi trường sống trong lành và hình thành ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân thị trấn Yên Viên. Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Yên Viên Khúc Thị Mỹ Huệ, những việc làm ý nghĩa như “Đưa phế liệu đến hành trình sống xanh” đã thắp lên những tư duy mới, hình thành nếp nghĩ, nếp sống và chuyển hóa thành những hành động bảo vệ môi trường một cách thiết thực nhất.

Đánh giá về mô hình “Đưa phế liệu đến hành trình sống xanh” mà Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Yên Viên đang triển khai, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Gia Lâm Nguyễn Thanh Hương nhận định: “Vượt lên một mô hình điểm, “Đưa phế liệu đến hành trình sống xanh” đã trở thành một phong trào đối với người dân thị trấn Yên Viên nói riêng và huyện Gia Lâm nói chung trong “cuộc chiến” chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa, không chỉ hình thành nếp sống thân thiện môi trường cho mỗi người dân, mỗi cộng đồng mà còn tạo nên một nét đẹp văn hóa mới trong đời sống nông thôn. Từ hiệu quả và hiệu ứng của mô hình này, đến nay 100% Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn của huyện đã xây dựng và triển khai”.

Mô hình “Đưa phế liệu đến hành trình sống xanh” và các hoạt động thiết thực trong phong trào bảo vệ môi trường của Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm cần được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, để mỗi vùng nông thôn Thủ đô thật sự trở thành nơi đáng sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa phế liệu đến hành trình sống xanh