Hướng đi mới ở vùng đất cằn Phong Vân

Diệu Thu| 28/10/2020 07:14

(HNM) - Đến thăm mô hình trồng cây gai xanh ở xã Phong Vân (huyện Ba Vì), nhiều người ngạc nhiên về sự thích ứng của loại cây này trên vùng đất bạc màu, khô cằn. Mặc dù mới trồng thí điểm hơn 2ha từ đầu năm 2020 đến nay nhưng cây gai xanh đã mang lại thu nhập cao cho người trồng.

Bà Trần Thị Yến - hộ dân tiên phong trồng cây gai xanh tại xã Phong Vân chia sẻ: “Do khó khăn về nguồn nước nên nhiều diện tích trên địa bàn xã Phong Vân trước đây chỉ trồng được ngô, lạc hoặc bỏ hoang... Sau khi tham quan mô hình trồng cây gai xanh tại tỉnh Phú Thọ, tôi quyết định đưa loại cây này về trồng thử nghiệm trên diện tích khó canh tác của gia đình”.

Được biết, chỉ sau 3 tháng trồng, cây gai xanh cho thu hoạch vụ đầu tiên. Do cây mới trồng nên mỗi gốc gai xanh chỉ cho 2-3 mầm, năng suất đạt khoảng 3 tạ vỏ/ha; vụ thứ hai, năng suất khoảng 7 tạ/ha. Từ vụ thứ ba trở đi, cây gai xanh cho năng suất khoảng 1 tấn/ha... Với giá bán 40.000 đồng/kg vỏ, cây gai xanh cho thu nhập cao gấp 2,5 lần so với các loại cây từng trồng ở khu vực này. 

Nói về loại cây mới bén duyên đất Phong Vân, bà Trần Thị Yến cho biết, trồng cây gai xanh không tốn công chăm sóc. Chỉ sau 3 tháng trồng, cây đã đạt chiều cao 1-1,2m và cho thu hoạch. Trong lần thu hoạch đầu tiên, nông dân chặt sát gốc để cây nảy mầm, tiếp tục chăm sóc trong khoảng 45 ngày sẽ cho thu hoạch vụ thứ hai. Sản lượng của vụ sau cao hơn nhờ cây phát triển nhanh, đẻ nhánh khỏe.

Điểm nổi bật của cây gai xanh là trồng một lần nhưng có thể cho thu hoạch 3-4 vụ/năm; thời gian khai thác của cây có thể kéo dài trong 10 năm. Ngoài bán vỏ và thân cây cho doanh nghiệp thu mua làm nguyên liệu sợi may mặc, giấy... lá cây gai xanh còn sử dụng làm thức ăn cho gia súc hoặc nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm. Bên cạnh đó, củ cây gai xanh còn được làm dược liệu bào chế các sản phẩm thuốc...

Cây gai xanh rất dễ sống và rất ít sâu bệnh... nên nông dân không tốn nhiều công chăm sóc, không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, trồng cây gai xanh còn giúp giữ ẩm, cải tạo đất khô cằn, chống xói mòn giảm nguy cơ xảy ra các sự cố sạt lở đồi, núi.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phong Vân, nhận thấy đây là loại cây trồng phù hợp với đồng đất của địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao, Hợp tác xã Nông nghiệp Phong Vân đã hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và nhập khẩu An Phước xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. "Rất mong chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có cơ chế hỗ trợ người dân về giống, vốn để phát triển loại cây trồng này", ông Nguyễn Văn Tiến đề nghị.

Về vấn đề trên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, huyện đang tập trung rà soát, chuyển đổi một số diện tích đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho thu nhập cao hơn. Với loại cây gai xanh, huyện sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá cụ thể khả năng thích ứng thổ nhưỡng, khí hậu, sau đó đề xuất cơ quan thẩm quyền ban hành cơ chế hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi mới ở vùng đất cằn Phong Vân