Tinh hoa thủ công mỹ nghệ Thủ đô

Thanh Hiền| 25/10/2020 06:21

(HNM) - Với 1.350 làng nghề và làng có nghề, ngành thủ công mỹ nghệ đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu và phát triển kinh tế của Hà Nội. Nhằm tạo ra những sản phẩm mới có tính sáng tạo, có giá trị kinh tế, mỹ thuật, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường, ngành Công Thương Hà Nội đã tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ với chủ đề “Tinh hoa sản phẩm thủ công mỹ nghệ Thủ đô - hội tụ và lan tỏa”, với sự tham gia của 106 tổ chức, cá nhân.

Thợ dát vàng ở làng nghề Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm). Ảnh: Quang Thái

Các làng nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội có lịch sử lâu đời như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Duyên Thái, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, thêu Quất Động, khảm trai Chuyên Mỹ, mây tre đan Phú Vinh… đã và đang góp phần tích cực giữ gìn và lan tỏa bản sắc văn hóa cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Thủ đô. Cùng với những làng nghề nổi tiếng trên, hiện thành phố có 297 làng nghề được công nhận, với 160 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân cùng hàng nghìn thợ giỏi, hàng trăm chuyên gia..., hằng năm sáng tác, thiết kế hàng nghìn mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này mới chỉ dừng ở khâu nghiên cứu, ít được đưa vào sản xuất.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, là việc chậm đổi mới mẫu mã, sản phẩm, thiếu tính sáng tạo. Nhiều sản phẩm chưa xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, làm dập khuôn theo các mẫu có sẵn trên thị trường hoặc theo đơn đặt hàng từ phía khách hàng, ít có những sản phẩm của riêng mình. Nhiều nghệ nhân, thợ giỏi có những mẫu thiết kế đẹp nhưng lại thiếu tính thương mại, khó sản xuất hàng loạt…

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia..., hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam yếu hơn về thiết kế, trong khi sự khác biệt về mẫu mã là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh.

Nhằm tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội phát huy những ý tưởng sáng tạo trong thiết kế mẫu sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mới có tính kỹ thuật, mỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, ngành Công Thương Hà Nội đã tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2020 với chủ đề “Tinh hoa sản phẩm thủ công mỹ nghệ Thủ đô - Hội tụ và lan tỏa”. Cuộc thi đã thu hút 106 tổ chức, cá nhân tham gia với 353 sản phẩm, bộ sản phẩm dự thi thuộc 6 nhóm: Gốm sứ; sơn mài; mây tre, giang đan, guột tế; khảm trai, đá, gỗ, sừng mỹ nghệ; thêu, lụa tơ tằm; nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác.

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, các sản phẩm thiết kế mới năm nay vừa phù hợp với xu thế hiện đại, vừa kết tinh được bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, chạm được tới cảm xúc của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, nhiều mẫu thiết kế có tính cạnh tranh cao tại một số thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm dự thi đã được các chuyên gia đầu ngành thủ công mỹ nghệ trong, ngoài nước đóng góp ý kiến để hoàn thiện.

Ban tổ chức đã chọn được 90 sản phẩm của các tổ chức, cá nhân để trao giải trong cuộc thi, trong đó, có 6 giải Nhất, 18 giải Nhì, 24 giải Ba, 42 giải Khuyến khích. 6 giải Nhất gồm các tác phẩm: Bộ lọ hoa gốm Raku (Công ty TNHH LC Home); lọ sơn mài gắn sò biển (tác giả Nguyễn Thị Hồi); sản phẩm tranh đá “Chợ quê, người Việt xưa” (tác giả Lê Thị Thuận); sản phẩm vải ghép Trâu Thịnh Vượng (tác giả Nguyễn Việt Dũng); sản phẩm khăn lụa hoa sen (tác giả Nghiêm Thị Thu Hương); sản phẩm mây tre đan: Túi đeo hoa tranh (tác giả Nguyễn Văn Sơn).

Bà Nguyễn Thị Hồi - tác giả sản phẩm lọ sơn mài gắn sò biển (ở làng nghề Duyên Thái, Thường Tín) chia sẻ, được sự tư vấn, định hướng của Sở Công Thương, bà đã tìm tòi, làm ra những sản phẩm sử dụng các nguyên liệu tự nhiên trong nước, độc đáo, tiện sử dụng, bảo vệ môi trường, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước. 

Sau 5 năm triển khai, cuộc thi đã góp phần khắc phục những hạn chế trong thiết kế mẫu sản phẩm mới cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Qua đó, nâng cao năng lực thiết kế mẫu, tạo được những sản phẩm có giá trị về kinh tế, mỹ thuật, tiếp cận với xu hướng thiết kế mới, thị trường mở...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tinh hoa thủ công mỹ nghệ Thủ đô