Hướng phát triển mới cho vùng chè Ba Vì

Sơn Tùng| 05/10/2020 07:30

(HNM) - Trong những năm qua, nhờ liên kết trồng chè sạch theo quy trình VietGAP, vùng chè xanh Ba Vì đã có nhiều thay đổi tích cực. Điểm nổi bật là môi trường được bảo vệ, giá trị thu nhập từ cây chè nâng lên, từ đó mở hướng phát triển mới cho vùng chè Ba Vì.

Mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Nguyễn Văn Cứ, xã Ba Trại (huyện Ba Vì) cho hiệu quả kinh tế cao.

Đường đến thôn 2 của xã Ba Trại (huyện Ba Vì) mùa này đâu cũng thấy vườn chè xanh ngắt. Ông Nguyễn Văn Cứ - một nông dân trồng chè nổi tiếng ở xã Ba Trại chia sẻ, hầu hết hộ dân trong thôn có từ 5 sào tới 1 mẫu chè. Trong những năm qua, được ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ chuyển đổi giống chè mới năng suất cao, trồng theo hướng VietGAP nên giá trị thu nhập nâng cao. Trước đây, chè búp khô trung bình bán mức giá 70.000-80.000 đồng/kg thì nay bán được 200.000-250.000 đồng/kg.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Huy Hoàng (ở thôn 3, xã Ba Trại) cũng có 0,7ha chè trồng theo hướng VietGAP, mỗi năm thu hoạch 7-8 lứa. Anh Hoàng cho biết, trồng chè theo phương pháp VietGAP chi phí giảm mà năng suất tăng gấp đôi, búp chè đẹp và bán được giá cao gấp rưỡi trở lên nên thu nhập của gia đình tăng hơn so với cách trồng cũ.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trại Hoàng Văn Chuyển, đến nay, tổng diện tích cây chè trên địa bàn đạt 471ha. Diện tích đang cho thu hoạch là 436ha, năng suất đạt 9 tấn/ha, sản lượng 4.239 tấn/năm; trong đó có 40ha chè đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ sản xuất theo hướng VietGAP, việc trồng và chăm sóc chè đã giảm 90% lượng thuốc bảo vệ thực vật, môi trường ngày càng trong lành. Ngoài ra, các hộ gia đình đẩy mạnh chuyển đổi, mở rộng sản xuất nhằm nâng cao giá trị của cây chè. Hiện xã đang tổ chức việc liên doanh, liên kết để phát triển du lịch sinh thái gắn với vùng chè. Những năm gần đây, Ba Trại bắt đầu đón những đoàn khách tới tham quan khu vườn trồng chè và trải nghiệm các công đoạn sản xuất chè thủ công. Hết năm 2020, xã Ba Trại có sẽ chuyển đổi toàn bộ cơ cấu giống với những giống chè mới đạt năng suất, chất lượng cao hơn.

Ngoài xã Ba Trại, cây chè còn được trồng nhiều tại các xã: Ba Vì, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, Minh Quang, Khánh Thượng, Nông trường Sông Đà, Nông trường Việt - Mông... với tổng diện tích toàn huyện 1.750ha chè giá trị cao; trong đó, 474ha diện tích chè trồng mới đều theo hướng VietGAP, năng suất 12 tấn/ha/năm, giá trị đạt 300-500 triệu đồng/ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Trần Quang Khuyên khẳng định: Vùng chè Ba Vì phát triển được như hiện nay, trước hết, nhờ ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ các xã cải tạo những vườn chè già cỗi, xen canh trồng nhiều nương chè mới. Đặc biệt, qua các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ ngành Nông nghiệp, người trồng chè ở Ba Vì đã thay đổi phương thức sản xuất, hướng đến trồng chè sạch, chất lượng cao, theo quy trình VietGAP. Sau gần 10 năm chuyển đổi, đưa giống mới kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhiều hộ trồng chè ở Ba Vì còn đầu tư công nghệ, máy móc phục vụ phun tưới, sao chè…

Năm 2020, Ba Vì tiếp tục mở rộng thêm 20ha chất lượng cao tại các xã trồng chè trọng điểm của huyện như: Ba Trại, Yên Bài, Minh Quang... trong đó, chủ lực là giống chè mới LDP1 có năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của huyện tập trung tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh theo hướng an toàn VietGAP. Ba Vì phấn đấu có 80% diện tích chè trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn an toàn theo hướng VietGAP, 20% diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, gắn phát triển vùng chè với du lịch sinh thái. Để hỗ trợ nông dân khâu tiêu thụ, ngoài xây dựng thương hiệu Chè Ba Trại, huyện tích cực hỗ trợ xã Minh Quang phát triển chế biến chè búp khô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng phát triển mới cho vùng chè Ba Vì