Nhân rộng mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ

Đào Huyền| 30/09/2020 07:18

(HNM) - Hoa là một trong những cây trồng giá trị được ngành Nông nghiệp Hà Nội chọn lựa khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. Với việc đưa những giống hoa mới, bảo đảm chất lượng vào sản xuất có ứng dụng công nghệ, nhiều mô hình trồng hoa của Hà Nội đang cho hiệu quả kinh tế cao và dự kiến sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Mô hình trồng hoa đồng tiền tại xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo quy hoạch, xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) xây dựng vùng trồng hoa tập trung với quy mô hơn 86,5ha. Anh Hoàng Văn Trào, xã Tích Giang chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 1ha trồng hoa đồng tiền và hồng thế. Hiện, toàn bộ diện tích được sản xuất trong nhà màng lưới nên năng suất, chất lượng cao, mỗi năm thu khoảng 1,7 tỷ đồng”...

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tích Giang Cấn Văn Hồng, là xã đồng bằng bán sơn địa, sau nhiều năm chuyển đổi cây trồng, hoa là loại cây phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng của Tích Giang. Đến nay, toàn xã đã quy hoạch xây dựng vùng trồng hoa 86,5ha, trong đó có 10ha trồng hoa ứng dụng công nghệ cao. Nông dân Tích Giang trồng hoa quanh năm, đa dạng theo từng thời điểm cho hiệu quả kinh tế cao, đạt từ 600 triệu đồng/ha/năm trở lên. Riêng vụ Tết, mỗi hộ thu từ 50 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng từ trồng hoa.

Tương tự, tại huyện Đan Phượng, nhiều năm nay, huyện đã quy hoạch, xây dựng các vùng trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, đến nay, toàn huyện có hơn 453ha hoa, tập trung tại các xã Hạ Mỗ, Song Phượng... Chủng loại hoa khá đa dạng, gồm: Hồng, cúc, đồng tiền, lan... Nhiều vùng trồng hoa của huyện đã xây dựng hệ thống nhà màng lưới, kho bảo quản; giá trị từ các mô hình trồng hoa đạt từ 300 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm tùy mô hình, loại hoa...

Thực tế, việc phát triển các mô hình trồng hoa đang là điểm sáng của ngành Nông nghiệp Hà Nội về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin: Giai đoạn 2017-2020, diện tích trồng hoa - cây cảnh của Hà Nội có xu hướng tăng. Ước tính hết năm 2020, diện tích hoa, cây cảnh đạt 6.473,6ha, tăng 3,8% so với năm 2017. Đặc biệt, Hà Nội đã quy hoạch các vùng trồng hoa; đồng thời, đưa các loại hoa chất lượng cao vào sản xuất kết hợp xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, qua đó tăng năng suất, chất lượng, giá trị cho cây hoa.

Đến nay, Hà Nội đã hình thành được 47 vùng sản xuất tập trung (hơn 1.800ha) với quy mô mỗi vùng 10-20ha tại các quận, huyện: Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín… Hiện, diện tích gieo trồng hoa chất lượng cao toàn thành phố chiếm hơn 30% tổng diện tích, chủ yếu là các loại hoa: Hồng, lily, lan, cúc giống mới, đào, quất... So với phương pháp trồng hoa truyền thống, hiệu quả từ các mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 25-30%.

Về kế hoạch phát triển cây hoa trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, đến năm 2025, Hà Nội mở rộng diện tích lên 8.000ha và sẽ là 10.000ha vào năm 2030. Trong đó, diện tích chuyên canh khoảng 5.000ha, tập trung tại các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ... 

Để phát triển vùng trồng hoa, nâng cao hiệu quả từ cây trồng này, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đầu tư, hình thành các vùng hoa - cây cảnh tập trung quy mô vừa và lớn (20-50ha trở lên) ứng dụng công nghệ thông minh với các giống hoa chủ lực: Lily, lan, cúc, hồng, đào... cùng một số giống hoa nhập, cây cảnh, cây thế có giá trị cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường vùng Thủ đô và xuất khẩu. Mặt khác, Hà Nội tiếp tục duy trì thương hiệu, nhãn hiệu những làng nghề trồng hoa truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân rộng mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ