Bắt đất cằn đơm hoa, kết trái

Đỗ Minh| 12/09/2020 06:56

(HNM) - Xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ là vùng bán sơn địa, đồng đất sỏi đá, cằn cỗi. Đây cũng là nơi hứng chịu nhiều thiên tai khi mùa mưa bão đến hay lũ rừng ngang đổ về. Trong khó khăn vất vả, người Nam Phương Tiến đã tìm hướng đi riêng, bắt vùng đất cằn đơm hoa, kết trái, trở thành vùng nông nghiệp sinh thái, sản xuất hữu cơ nổi tiếng Thủ đô Hà Nội.

Mô hình trồng bưởi Diễn hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ).

Đất cằn cho những mùa vàng

Chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, nhưng cách đây 10 năm người ta vẫn gọi Nam Phương Tiến là vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Nông dân quanh năm chỉ biết trồng ngô, trồng sắn, “bám mặt” vào những cánh đồng lúa bấp bênh mùa vụ, cái nghèo đeo đẳng suốt tháng ngày. Nhưng giờ đây, vùng đất này đã trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm của huyện Chương Mỹ với những cánh đồng lúa xanh ngát, những vườn bưởi trĩu quả, những trang trại chăn nuôi tổng hợp hiệu quả cao.

Núi Bé là thôn xa nhất của xã Nam Phương Tiến với đồng đất cỗi cằn. Vừa cặm cụi bọc túi giấy bảo quản cho những trái bưởi đang thời kỳ phát triển, anh Nguyễn Văn Nhương vừa kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu tiên đưa cây bưởi về vườn: “Mảnh vườn rộng hơn 3.000m2 này trước kia là 3 thửa ruộng trồng sắn. Quanh năm "đầu tắt, mặt tối" mà vẫn không đủ ăn. Cái nghèo khiến tôi quyết tâm đi tìm cây trồng mới.

Sau khi tìm hiểu, tôi mạnh dạn đến với cây bưởi Diễn. Mất hơn một năm lăn lộn thực tế ở các vùng trồng bưởi, cộng thêm sự tư vấn, giúp đỡ của ngành Nông nghiệp, tôi quyết định trồng bưởi theo hướng VietGAP. Từ đó, cây bưởi Diễn bén duyên trên đất này. Mô hình cho hiệu quả cao nên với hơn 100 gốc bưởi Diễn, tôi quyết định chuyển hẳn sang trồng hữu cơ để bảo đảm tính bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Với vườn bưởi này, gia đình tôi có thu nhập mỗi năm hơn 350 triệu đồng...”.

Còn ông Nguyễn Văn Oánh ở cùng thôn nhớ lại: Khi đưa bưởi Diễn về trồng, không ít người nghi hoặc bởi đất cằn sỏi đá sao trồng nổi? Sau vài năm, cây cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, người dân mới bắt đầu mở rộng diện tích. Hiện nay, bưởi Diễn hữu cơ đã mang "của ăn, của để" về cho nhiều gia đình.

Không chỉ trồng bưởi, nhiều hộ dân ở thôn Núi Bé còn chọn rau hữu cơ để phát triển kinh tế gia đình. Bà Nguyễn Thị Phương chia sẻ: "Học theo hướng canh tác hữu cơ ở địa phương, tôi cũng mạnh dạn trồng rau hữu cơ. Xác định không thể "ăn xổi" ngay, tôi phải cho đất “nghỉ” 3 năm, rồi kiên trì từng ngày với phương pháp canh tác mới. Để rồi hôm nay, cây rau hữu cơ đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao - điều trước kia chưa bao giờ tôi từng nghĩ đến".

Không có cảnh trái cây lúc lỉu trong vườn, nhưng ở thôn Nhân Lý, ngập trong mắt chúng tôi là cánh đồng xanh trải dài. Bên ruộng lúa hữu cơ, ông Nguyễn Văn Đô cho biết, là vùng đồng đất bằng phẳng, phù hợp với trồng lúa, thế nhưng mỗi khi mưa bão, lũ rừng ngang đổ về thì coi như mất trắng. Như trận lũ lụt năm 2018 - năm đầu tiên trồng lúa theo mô hình hữu cơ - lúa trên cánh đồng trôi cả theo dòng nước lũ, nhưng không vì vậy mà người dân bỏ cuộc. Kiên trì theo đuổi mô hình này, nay nhiều hộ dân đã có những mùa bội thu.

Nói về thành quả trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Hà Bá Phích hồ hởi: Trước kia, Nam Phương Tiến có nhiều hộ nghèo nhưng đến nay đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập cao. Dù hằng năm, khi mưa bão đổ về có những trang trại, vườn rau mất trắng nhưng nông dân nơi đây vẫn kiên trì bám đồng, bám ruộng với những giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao…

Trò chuyện với chúng tôi về một miền nông nghiệp hữu cơ đang hình thành trù phú, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến Vũ Thị Huyền kể: Nam Phương Tiến có hơn 1.100ha đất sản xuất. Với quyết tâm biến miền quê “sỏi đá” thành vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái giá trị cao, gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bằng sức người, vùng đất nghèo Nam Phương Tiến trước đây nay đã trở thành vùng nông nghiệp "có tiếng". Hiện tại, Nam Phương Tiến có 5ha rau, 55ha lúa, 12ha bưởi Diễn hữu cơ, khoảng 150ha trồng bưởi VietGAP và hơn 100 trang trại tổng hợp… Đến nay, cánh đồng thôn Nhân Lý, Núi Bé, Hạnh Côn… đã sạch theo đúng nghĩa bởi không còn thuốc bảo vệ thực vật.

Nỗ lực xây dựng quê hương

Những mô hình sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch mà Nam Phương Tiến có được hôm nay đều là thành quả từ mồ hôi, công sức của những người nông dân chăm chỉ. Qua lời chia sẻ của người dân thì sự chuyển mình từ mảnh đất “cày lên sỏi đá” thành một vùng quê trù phú là những câu chuyện dài về nỗ lực đổi mới, vươn lên.

Kể về những nỗ lực vươn lên của vùng đất này, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết: Khi Chương Mỹ bắt đầu triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa, huyện xác định Nam Phương Tiến là xã gặp nhiều khó khăn nhất. Đây là vùng bán sơn địa, dồn thế nào cho thành vùng, thành thửa là cả vấn đề. Thế nhưng, địa phương có được sự đồng thuận rất lớn từ người dân, nhiều hộ đã tình nguyện nhận đất ở vùng cao hoặc vùng trũng. Nhờ vậy, đến năm 2013 Nam Phương Tiến đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, tạo nền tảng cơ bản để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó toan tính xa hơn trên đường phát triển.

“Khi hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, “bài toán” khó đặt ra là định hướng cho nông dân trồng cây gì, nuôi con gì? Với sự giúp đỡ của ngành Nông nghiệp, đặc biệt là quyết tâm vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương của người dân, mọi khó khăn từng bước được đẩy lùi. Mảnh đất cằn, thường xuyên hứng chịu thiên tai bão lũ đã trở thành miền đất của quả ngọt, cây xanh. Đến nay, vùng lúa của Nam Phương Tiến đã được ngành Nông nghiệp Thủ đô định hướng xây dựng thành vùng lúa xuất khẩu. Với rất nhiều nỗ lực của chính quyền và người dân, năm 2016, Nam Phương Tiến được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới”, ông Đinh Mạnh Hùng nói.

Chia sẻ về tương lai, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Hà Bá Phích thông tin: “Nam Phương Tiến định hướng vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường nên sản xuất sạch, sống sạch là đòi hỏi hàng đầu. Xã sẽ hình thành các "làng hữu cơ", "thôn hữu cơ"… hướng tới xây dựng vùng nông nghiệp sinh thái. Xã đã quy hoạch lại các vùng sản xuất, vùng trũng thì làm trang trại; vùng đồi, núi trồng rừng, trồng cây ăn quả lâu năm; vùng đồng đất bằng phẳng thì trồng lúa, trồng rau… Nam Phương Tiến nhất quyết không độc canh vì đất này chịu đủ khắc nghiệt của thiên tai, khí hậu nên rủi ro với sản xuất nông nghiệp rất lớn”.

Biến một vùng đất cỗi cằn, thường xuyên oằn mình gánh chịu thiên tai trở thành một vùng nông nghiệp hữu cơ, vùng đệm tạo môi trường xanh cho Thủ đô là thành công lớn của chính quyền và người dân nơi đây. Trong định hướng phát triển, vùng quê Nam Phương Tiến sẽ còn hướng tới việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp... Những nền móng từ hôm nay sẽ tạo dựng những bước phát triển mới cho vùng quê này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đất cằn đơm hoa, kết trái