Khai thác tiềm năng cây dược liệu ở Sóc Sơn

Hoàng Văn| 09/09/2020 07:48

(HNM) - Huyện Sóc Sơn có nhiều tiềm năng phát triển các loại cây trồng thế mạnh, trong đó có cây dược liệu. Đây cũng là cây trồng được nhiều địa phương trên địa bàn huyện canh tác theo phương pháp hữu cơ, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Nông dân xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) trồng dược liệu theo hướng hữu cơ, cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Tùng

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Xuân Giang (huyện Sóc Sơn), đồng thời cũng là chủ nhân vườn dược liệu 7ha, cho biết: “Năm 2015, được sự hỗ trợ của Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn, gia đình tôi đã thuê lại ruộng đất của các hộ dân để trồng dược liệu. Những năm đầu, gia đình được huyện hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón; được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu theo phương pháp hữu cơ. Khi thu hoạch, được doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm, nhờ đó gia đình tôi có mức thu nhập khá, yên tâm mở rộng sản xuất”.

Không chỉ ở Xuân Giang, cây dược liệu còn phát triển tại nhiều xã khác của huyện Sóc Sơn như: Minh Trí, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Minh Phú, Nam Sơn, Hiền Ninh... Theo Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn Nguyễn Thanh Tuyền, vùng đồi gò ở huyện Sóc Sơn có tiềm năng lớn để trồng dược liệu. Từ diện tích ban đầu (năm 2014) là 15ha, đến nay hợp tác xã đã mở rộng lên 66ha và bảo tồn được 80 loại dược liệu, trong đó có nhiều dược liệu quý, như: Trà hoa vàng Hakoda, hoa lan thạch hộc tía, kim ngân hoa, bạch hoa xà, chi tử, cát sâm...

Hiện nay, các loại dược liệu này đều được Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn chế biến thành trà thảo mộc cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, hợp tác xã đã mời một số chuyên gia Nhật Bản sang nghiên cứu, liên kết sản xuất, chế biến thành các sản phẩm trà thảo mộc chất lượng cao để xuất khẩu... Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn còn chế biến thành 25 sản phẩm từ thảo dược như: Trà ướp hoa, trà hoa; các loại thảo dược túi lọc dùng tiện dụng, tinh dầu; gối chườm, mỹ phẩm thảo dược bán trực tiếp đến người tiêu dùng. Ngoài ra, huyện Sóc Sơn cũng được các chuyên gia sản xuất các loại trà thảo mộc Nhật Bản lựa chọn là vùng cung cấp nguyên liệu sạch cho nhà máy chế biến trà thảo mộc chất lượng cao xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các thị trường khác. Thành công này sẽ mở ra hướng sản xuất mới cho nông dân Sóc Sơn.

Đánh giá hiệu quả kinh tế từ phát triển cây dược liệu thời gian qua, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng khẳng định: "Nhờ đưa các giống dược liệu thuần chủng vào trồng và ứng dụng kỹ thuật thâm canh hữu cơ, cơ giới hóa khâu sản xuất, chế biến... nên cây dược liệu ở vùng đồi gò huyện Sóc Sơn mang lại giá trị kinh tế cao, đạt 420 triệu đồng/ha, gấp 3 lần cây trồng khác. Đời sống của người dân trên địa bàn nhờ đó ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững ở Sóc Sơn".

Cũng theo ông Hoàng Chí Dũng, hiện Sóc Sơn đang xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển vùng dược liệu và ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chế biến. Dự kiến, hết năm 2020, toàn huyện sẽ mở rộng diện tích chuyên canh cây dược liệu hữu cơ lên khoảng 100ha. Mặt khác, để định danh cho sản phẩm dược liệu của địa phương, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cây dược liệu hữu cơ Sóc Sơn”.

Khi hình thành được cơ chế, chính sách, quy hoạch, chắc chắn cây dược liệu của Sóc Sơn sẽ trở thành thương hiệu mạnh của ngành Nông nghiệp Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác tiềm năng cây dược liệu ở Sóc Sơn