Hướng thoát nghèo hiệu quả

Hà Hiền| 06/09/2020 07:15

(HNM) - Nếu nhìn từ xã Châu Sơn (huyện Ba Vì), hẳn ai cũng rõ hơn việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là hướng thoát nghèo hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Nguồn vốn của người nhà đi làm việc ở nước ngoài giúp người dân xã Châu Sơn vươn lên thoát nghèo, sản xuất kinh doanh tại chính quê hương. Trong ảnh: Nghề sấy cau khô mang lại thu nhập 150.000-200.000 đồng/người/ngày (ảnh chụp tháng 7-2020).

Quê nghèo từng bước đổi thay

Trái với hình ảnh về một xã nghèo ven sông Hồng của nhiều năm trước, hiện nay, Châu Sơn là một vùng quê trù phú với những dãy nhà cao tầng san sát, nối tiếp nhau. Xe nối xe vận chuyển nông sản đã qua chế biến đi xa. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Chí Năm, Chủ tịch UBND xã Châu Sơn phấn khởi: “Thu nhập bình quân đầu người của người dân Châu Sơn hiện nay là 43 triệu đồng/ người/năm, tăng 15 triệu đồng so với năm 2016. Toàn xã có khoảng 70% số hộ có nhà kiên cố cao tầng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, từ hơn 3% vào năm 2016, giảm còn 1,4% vào năm 2019, ước còn dưới 1% vào cuối năm 2020 này. Kết quả này có được phần lớn là nhờ người dân đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gửi ngoại tệ về quê hương”.

Đi sâu vào các khu dân cư, chúng tôi càng thấy rõ hơn sự thay đổi của địa phương vốn là xã thuần nông. Bà Nguyễn Thị Hậu, thôn Hạc Sơn cho hay, ngôi nhà 3 tầng khang trang của gia đình bà được xây dựng từ nguồn thu nhập trong quá trình bà làm việc ở 
Đài Loan (Trung Quốc). Cùng ở thôn Hạc Sơn, cùng đi làm việc tại Đài Loan, cuộc sống của gia đình bà Phạm Thị Bích cũng bước sang trang mới. “Tôi đi làm việc tại thị trường Đài Loan từ năm 2001 đến năm 2007. Sau 6 năm ở xứ người, số tiền tôi tích góp được đủ xây dựng nhà cửa, nuôi con cái học hành”, bà Bích nói.

Mừng hơn, sau khi trở về địa phương, đa số người dân ở Châu Sơn sử dụng nguồn vốn, kiến thức, mối quan hệ có được trong quá trình làm việc ở nước ngoài để tạo dựng cuộc sống mới. Người đi làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người kinh doanh, buôn bán, người đầu tư chế biến nông sản như long vải, long nhãn, sấy cau khô xuất khẩu… Những nghề phụ mới hình thành tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập khoảng 150.000-200.000 đồng/ người/ngày.

Quan tâm đến người lao động

Trên thực tế, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được xã Châu Sơn triển khai từ năm 1998 đến nay. Thời kỳ cao điểm, toàn xã có gần 1.000 người làm việc ở nước ngoài, chiếm gần 40% số lao động trong độ tuổi, gần 20% tổng số dân của xã (xã có hơn 1.300 hộ với 4.800 nhân khẩu). Thị trường được người dân Châu Sơn lựa chọn nhiều nhất là Đài Loan (Trung Quốc), tiếp đến là Nhật Bản, Hàn Quốc… Hiện nay, do người dân dễ dàng tìm được việc làm trong nước nên số người đi làm việc ở nước ngoài giảm dần. Tuy vậy, toàn xã vẫn còn hơn 300 người đang làm việc tại nước ngoài và mỗi năm có thêm hàng chục người đăng ký đi mới. Vì thế, Châu Sơn được biết đến với tên khác là “xã xuất khẩu lao động” ở Thủ đô.

Cũng như nhiều địa phương khác, giai đoạn đầu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, xã Châu Sơn cũng có những hệ lụy, ảnh hưởng từ hoạt động này. Do đó, các ban, ngành, đoàn thể xã Châu Sơn tuyên truyền, vận động để người dân thấy rõ mặt tích cực, hạn chế của việc đi làm xa, từ đó có sự lựa chọn cho đúng đắn. 

Yếu tố tích cực của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng được thể hiện rõ hơn tại xã Châu Sơn khi nhiều năm qua, địa phương này không có người nào bị mắc bẫy “lừa đảo”, không có tên trong danh sách bị hạn chế hay bị cấm tuyển dụng từ phía các nước đối tác. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Lê Chí Năm, Chủ tịch UBND xã Châu Sơn cho biết, xã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giúp người dân hiểu rõ, đồng thời hướng dẫn người dân lựa chọn những đơn vị, doanh nghiệp uy tín để đăng ký tuyển dụng. Những hộ thiếu vốn được tạo điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc từ các ngân hàng thương mại dành cho xuất khẩu lao động, giúp các gia đình tránh được rủi ro do phải vay với lãi suất cao… Trong bối cảnh các thị trường đối tác ưu tiên tuyển dụng lao động qua đào tạo, có khả năng giao tiếp bằng tiếng nước ngoài, chính quyền xã cũng tuyên truyền để người dân hiểu, chủ động học tập, chuẩn bị đầy đủ hành trang trước khi ra nước ngoài làm việc…

Với hướng đi này, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn là hướng phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả tại xã Châu Sơn những năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng thoát nghèo hiệu quả