Làng nghề nỗ lực vượt khó

Nguyễn Mai| 04/09/2020 07:19

(HNM) - Làng nghề có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như những vấn đề nội tại, các làng nghề ở Hà Nội đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước thực tiễn này thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giúp các làng nghề nỗ lực duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh...

Nghề sản xuất đồ mộc ngày càng phát triển ở huyện Thạch Thất (Hà Nội).

Còn nhiều khó khăn

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN& PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí, Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó có 309 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được UBND thành phố công nhận danh hiệu. Các sản phẩm làng nghề nhiều chủng loại, đa số mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/ người/tháng.

Tuy vậy, các làng nghề ở Hà Nội đang đối mặt với nhiều vấn đề nội tại như: Ô nhiễm môi trường; mặt bằng sản xuất chật hẹp; thiết bị công nghệ lạc hậu; quy mô sản xuất theo tính chất hộ gia đình là chủ yếu nên chưa có phương án tổ chức sản xuất hiệu quả; gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, ở các xã chuyên nghề mộc của huyện như: Canh Nậu, Dị Nậu, Hữu Bằng, Chàng Sơn..., người dân vẫn phải sản xuất trong khu dân cư vừa chật chội, vừa ô nhiễm... Còn anh Nguyễn Tuấn Anh (thôn Hòa Bình, xã Dị Nậu) chia sẻ: “Do thiếu mặt bằng làm xưởng sản xuất nên gia đình tôi chưa thể đầu tư công nghệ máy móc, thiết bị hiện đại và cũng không có kho chứa nguyên liệu, sản phẩm…”.

Đặc biệt, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản xuất, kinh doanh của các làng nghề có thời điểm bị đình trệ. Một số doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Anh Đinh Văn Soi, chủ cơ sở sản xuất Soi Hà (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) cho biết: Sản phẩm khảm trai của gia đình chủ yếu xuất khẩu, từ đầu năm 2020 đến nay, giao thương ngưng trệ, hàng hóa không xuất khẩu được, lao động phải cắt giảm, doanh thu còn khoảng 30-40% so với cùng kỳ.

Mặt khác, theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, dịch Covid-19 cũng làm chậm tiến độ triển khai một số nhiệm vụ đơn vị được giao theo kế hoạch như: Phải lùi thời gian tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho các chủ cơ sở sản xuất tại các làng nghề để tránh tập trung đông người…

Những hỗ trợ thiết thực

Trước những khó khăn từ thực tiễn và để bảo đảm thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, các địa phương có làng nghề và hộ sản xuất, kinh doanh làng nghề cũng đã chủ động tìm giải pháp phát triển. Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) Vũ Quốc Thương cho biết, khi việc làm bị cắt giảm, nhiều lao động trẻ ở xã vốn gắn bó với nghề truyền thống đã tạm chuyển sang công việc khác để có thu nhập như: Kinh doanh dịch vụ, sản xuất nông nghiệp. Còn với anh Đinh Văn Soi, chủ cơ sở sản xuất Soi Hà (xã Chuyên Mỹ) chia sẻ: "Chúng tôi tập trung vào khâu thiết kế mẫu, tích cực quảng bá sản phẩm, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh...".

Còn với địa phương có nhiều làng nghề mộc nổi tiếng như Thạch Thất, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng với việc mở rộng đường làng nghề xã Hữu Bằng đi Dị Nậu, đường 419 đoạn từ xã Bình Phú đi Phùng Xá... tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thương. Mặt khác, huyện còn đẩy mạnh xây dựng các cụm, điểm công nghiệp làng nghề để đưa sản xuất ra xa khu dân cư.

Bên sự cạnh sự chủ động ứng phó với khó khăn từ chính chủ các cơ sở sản xuất và địa phương có nghề, để hỗ trợ các làng nghề vượt qua khó khăn, các sở, ngành thành phố cũng đã có những hỗ trợ thiết thực. Trong vai trò là đơn vị đầu mối tham mưu cho thành phố về quản lý, phát triển ngành nghề nông thôn, Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Cùng với việc thúc đẩy Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Sở NN&PTNT sẽ giúp đỡ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các làng nghề; hỗ trợ một số mô hình cụ thể như: Mô hình dệt vải từ tơ sen tại xã Phùng Xá (Mỹ Đức)...

Trong khi đó, Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn xử lý bụi và khí thải cho làng nghề sản xuất, chế biến gỗ tại các xã có nghề mộc của huyện Thạch Thất. Sở Công Thương chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ 14 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị vào sản xuất. Còn Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiên cứu, triển khai các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng tại các làng nghề...

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các hộ làm nghề, hy vọng làng nghề Hà Nội sẽ vượt qua khó khăn, để thực hiện tốt hơn nữa công tác vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề nỗ lực vượt khó