Kinh nghiệm tái đàn lợn ở Phúc Thọ

Hoàng Sơn| 26/08/2020 07:14

(HNM) - Tái đàn lợn an toàn sau dịch bệnh luôn là mối quan tâm của nhiều hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, nhờ đúc rút kinh nghiệm, từ đầu năm 2020 đến nay, một số hộ dân ở huyện Phúc Thọ đã làm tốt việc phòng, chống dịch bệnh nên đàn lợn phát triển tốt.

Ông Nguyễn Hưng Thỉnh ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi lợn, chia sẻ: “Để tái đàn hiệu quả, mỗi tuần, tôi phun 2-3 lần hóa chất tiêu độc, khử trùng khu chuồng trại, xây dựng phác đồ điều trị một số bệnh thường gặp cho đàn lợn. Ngoài ra, tôi còn đầu tư máy móc, mua nguyên liệu về xay, tự trộn thức ăn để bổ sung dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi”. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh nên đàn lợn của gia đình ông Thỉnh luôn khỏe mạnh với 400 con lợn/lứa. Mỗi năm, ông Thỉnh bán được 3 lứa (sản lượng đạt khoảng 120 tấn thịt), trừ chi phí lãi 1-1,2 tỷ đồng.

Cũng tái đàn thành công sau đợt bệnh Dịch tả lợn châu Phi là gia trại của bà Đặng Thị Bích Hồng ở xã Vân Phúc. Từ đầu năm 2020 đến nay, bà Hồng xuất chuồng được hơn 60 tấn thịt lợn, lợi nhuận đạt gần 800 triệu đồng. Về kinh nghiệm phòng, chống dịch cho đàn lợn, bà Hồng chia sẻ, yếu tố quyết định thành công khi tái đàn là chọn được con giống tốt, tiêm phòng đầy đủ vắc xin. Bên cạnh đó thường xuyên học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y, giữ nhiệt độ chuồng nuôi hợp lý, không để chuồng nuôi ẩm ướt bởi dễ phát sinh mầm bệnh... Bà Hồng còn tư vấn cho nhiều hộ dân trong xã kỹ thuật chọn giống, cách phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc... giúp nhiều hộ tái đàn lợn thành công.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, dù đã công bố hết bệnh Dịch tả lợn châu Phi nhưng địa phương không chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, huyện thường xuyên tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường; rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng, khử độc để phòng, chống dịch. Huyện Phúc Thọ chủ trương chỉ cho phép tái đàn khi cơ sở bảo đảm điều kiện an toàn trong chăn nuôi. Trước khi tái đàn, người chăn nuôi phải vệ sinh, khử trùng chuồng trại ít nhất 2 lần/tuần. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lập sổ theo dõi 100% số hộ tái đàn nhằm kiểm soát chặt chẽ quy trình chăn nuôi, nguồn gốc con giống; khi nghi ngờ lợn mắc bệnh phải khoanh vùng, xử lý ngay.

Hiện, trên địa bàn huyện Phúc Thọ có hơn 1.000 hộ chăn nuôi tái đàn thành công, tập trung tại các xã: Thọ Lộc, Sen Phương, Phụng Thượng, Vân Phúc... nâng tổng đàn lợn của huyện lên 58.700 con, bằng 70% số lợn trước khi xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi. “Mục tiêu của huyện phấn đấu đến cuối năm 2020, nâng số lợn lên 65.000 con, đạt 80% tổng đàn, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 7.000 tấn/năm, góp phần tăng nguồn cung trên thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân” - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm tái đàn lợn ở Phúc Thọ