Hiểu làng để xây dựng quê hương giàu đẹp

Lam Giang| 25/08/2020 06:25

(HNM) - Giữa vùng nông thôn mới Yên Mỹ trù phú, nhiều người không khỏi bất ngờ khi gặp một không gian hoài niệm vừa gần gũi, vừa thân thương. Đó là nhà truyền thống xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) nơi lưu giữ hàng trăm tư liệu, hiện vật gắn với con người, vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng nơi bờ bãi sông Hồng. Ở đây, chuyện làng quê được tái hiện sinh động, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay. Từ đó, người dân càng hiểu làng để thêm quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) tham quan nhà truyền thống xã Yên Mỹ (ảnh chụp đầu tháng 7-2020). Ảnh: Nguyễn Hưng

Vật xưa, chuyện cũ 

Nhà truyền thống xã Yên Mỹ rộng 150m2 được chính quyền và người dân xã chung tay xây dựng trên nền nhà văn hóa thôn 2, khánh thành vào đầu năm 2019. Nơi đây lưu giữ gần 300 hiện vật, tranh ảnh, tư liệu gắn với cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày, phong tục tập quán, các lễ hội, truyền thống đấu tranh bảo vệ xóm làng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Yên Mỹ. Nhiều hiện vật là của hiếm, có tuổi đời cả trăm năm, có hiện vật từng được lưu giữ như những báu vật tại các gia đình ở Yên Mỹ. 

Đến thăm nhà truyền thống xã, các vị khách trung niên dành thời gian tham quan khu trưng bày các ngư cụ, nông cụ rất cũ kỹ mà gần gũi, thân thương; hay khu trưng bày hình ảnh và kỷ vật của các liệt sĩ là những người con Yên Mỹ đã chiến đấu, hy sinh trong các cuộc kháng chiến... Trong khi đó, giới trẻ lại bị thu hút bởi góc “kể chuyện” về một thời đạn bom mà họ ít biết đến trong đó có những chiếc kẻng báo động khi máy bay Mỹ đánh bom, cũng là kẻng tập trung xã viên đi làm...

Người tham quan còn được thấy những dụng cụ luyện tập võ nghệ, biểu diễn trong lễ hội đồng thời làm vũ khí chiến đấu; những mâm gỗ, mâm đồng có tuổi đời hơn 130 năm; những bát sứ chiết yêu cũng ngót nghét 100 năm; những chạn tre, chum, liễn... Nhiều hiện vật chỉ còn trong ký ức của không ít người nay được sưu tầm, trưng bày ngăn nắp trong không gian thoáng đãng, trang nghiêm của nhà truyền thống.

Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh chia sẻ về quá trình hình thành nhà truyền thống xã: “Trên tinh thần Nghị quyết của Đảng ủy xã về việc thành lập nhà truyền thống chúng tôi đã thành lập tổ sưu tầm hiện vật tới từng gia đình để tuyên truyền, vận động. Thấy rõ giá trị của việc xây dựng nhà truyền thống xã, nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình”.

Còn Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Yên Mỹ Trần Đình Lập cho hay: “Có khoảng 80 cá nhân đã đóng góp cho nhà truyền thống xã những kỷ vật lưu giữ lâu năm của mình, trong đó tiêu biểu là gia đình ông Trần Đức Hiệp ở xóm 4, bà Nguyễn Thị Hiếu ở xóm 8, bà Trần Thị Hòa ở xóm 9… Nhiều hiện vật rất đáng giá nhưng người dân tự nguyện hiến tặng”.

Tự hào vì đóng góp 24 hiện vật, ông An Đức Độ, 79 tuổi, người dân thôn 3 cho biết: “Có những đồ dùng gia đình tôi rất trân quý, như chiếc liềm chấu bà nội tôi sử dụng từ trước năm 1945, hay chiếc phích nước Rạng Đông có tuổi đời gần 50 năm. Mang hiến tặng nhà truyền thống cũng là một chút đóng góp nhỏ của gia đình cho quê hương”.

Lan tỏa tình yêu quê hương

Ngay khi được đưa vào sử dụng, nhà truyền thống xã Yên Mỹ đã thu hút nhiều người dân trong và ngoài xã cũng như các thế hệ trẻ, học sinh các nhà trường tới tham quan, tìm hiểu. Thầy giáo Phạm Thanh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Mỹ cho biết: “Từ khi có nhà truyền thống xã, chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương của nhà trường có thêm địa chỉ mới, hấp dẫn cho học trò”.

Còn em Trần Nguyễn Phương Hà, học sinh lớp 8B, Trường Trung học cơ sở Yên Mỹ, bộc bạch: “Các hiện vật được trưng bày tại nhà truyền thống tạo những cảm xúc thật đặc biệt trong em để từ đó thêm hiểu và trân trọng công lao của các thế hệ đi trước”.

Trong khi đó, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Yên Mỹ Đàm Mạnh Thi, chia sẻ: “Tới nhà truyền thống và tham gia gìn giữ nơi đây, thế hệ trẻ chúng tôi cảm nhận chân thực hơn về những nét đẹp văn hóa mà cha ông để lại. Từ đó, càng phải chú trọng rèn giũa bản thân để xứng với truyền thống quê hương”.

Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ Trần Quang Khánh cho biết: Đáng mừng là các hiện vật kể chuyện làng quê ở nhà truyền thống cứ ngày một “dày” lên, phong phú hơn qua sự đóng góp của người dân. Chính quyền xã đã thành lập Ban quản lý nhà truyền thống để bảo quản các hiện vật, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, người dân.

“Chúng tôi xác định xây dựng đời sống văn hóa phải bắt nguồn từ việc nâng cao chất lượng các hoạt động từ cơ sở. Cùng với đình, chùa, lăng mẫu... đã có, nhà truyền thống xã góp thêm địa chỉ văn hóa mới gắn bó với đời sống tinh thần của người dân. Từ đây, lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về quê hương Yên Mỹ giàu truyền thống, đồng thời nhân lên tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, cùng chung sức xây dựng xã ngày càng văn minh, giàu đẹp”, ông Trần Quang Khánh nói.

Nhiều địa phương tại Hà Nội đã có nhà truyền thống. Nhưng cách tạo dựng, gìn giữ, phát huy vai trò của nhà truyền thống xã như cấp ủy, chính quyền và nhân dân Yên Mỹ làm đã tạo nên sức sống mạnh mẽ cho nhà truyền thống. Điều này cần được quan tâm, nhân rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểu làng để xây dựng quê hương giàu đẹp