Phú Xuyên đẩy mạnh phát triển làng nghề

Bạch Thanh| 24/08/2020 07:50

(HNM) - Phú Xuyên được biết đến là một trong những huyện của Hà Nội có nhiều làng nghề, trong đó có 49 làng được công nhận làng nghề truyền thống; thu nhập từ làng nghề đạt hơn 5.000 tỷ đồng mỗi năm... Những thế mạnh này đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo nhiều việc làm cho lao động trên địa bàn.

Nhờ đa dạng mẫu mã, sản phẩm đồ gỗ của làng nghề truyền thống Đại Nghiệp, xã Tân Dân (huyện Phú Xuyên) được thị trường ưa chuộng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch Hội làng nghề thôn Đại Nghiệp (xã Tân Dân) Hoàng Văn Luận cho biết, từ đầu năm tới nay, tuy ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các cơ sở sản xuất nhạy bén trong đổi mới mẫu mã, đa dạng loại hình, giá cả lại không tăng nên sản phẩm đồ gỗ gia dụng của thôn Đại Nghiệp vẫn tiêu thụ tốt, thu nhập của người làng nghề đạt 6-9 triệu đồng/người/tháng, chiếm trên 80% tổng thu nhập của thôn...

Trong căn nhà 5 tầng khang trang, anh Phan Văn Túc ở thôn Đại Nghiệp chia sẻ, gia đình anh làm nghề mộc được gần 20 năm, doanh thu trung bình mỗi năm đạt 2-3 tỷ đồng. Tuy khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng với chiến lược tập trung nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, xưởng sản xuất của gia đình anh sẽ vẫn đạt doanh thu như kỳ vọng.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Dân Nguyễn Trung Hội, toàn xã có 5/7 thôn được công nhận làng nghề mộc với 1.743 hộ dân tham gia sản xuất, chiếm 68,91% tổng số hộ. 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, song tổng giá trị thu nhập từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã vẫn đạt 105 tỷ đồng, bằng 39,18% kế hoạch năm...

Tương tự, nhờ nghề truyền thống, nhiều người dân của xã Phú Túc có cuộc sống ổn định. Chủ tịch UBND xã Phú Túc Trần Văn Khiêm cho hay, thu nhập bình quân từ tiểu thủ công nghiệp của xã đạt 62 triệu đồng/người/năm. Năm 2019, toàn xã có 1.681 hộ với 3.895 lao động tham gia sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp, tổng giá trị đạt 257 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù số đơn hàng giảm nhưng thu nhập của người làm nghề truyền thống vẫn duy trì 4-5 triệu đồng/người/tháng...

Về lĩnh vực này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Văn Cương thông tin thêm: Để vinh danh, thúc đẩy tinh thần thi đua lao động, sáng tạo, xây dựng làng nghề phát triển bền vững, trong 5 năm qua, huyện tổ chức 4 lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống cấp huyện và cấp xã với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, thu hút hàng nghìn lượt người tham dự; đồng thời, huyện còn hỗ trợ xây dựng 7 nhãn hiệu làng nghề. Tuy nhiên, hiện hoạt động của các làng nghề gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ không ổn định, thiếu mặt bằng sản xuất nên hầu hết hộ làm nghề phải tận dụng không gian sinh hoạt của gia đình để làm nghề, rất khó mở rộng quy mô sản xuất.

Để giải quyết những khó khăn trên, theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh, huyện tập trung hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng các khu/cụm công nghiệp làng nghề. Mặt khác, huyện tích cực phối hợp triển khai và hoàn thiện hạ tầng 3 cụm công nghiệp làng nghề ở các xã: Phú Túc, Đại Thắng, Phú Yên. Huyện cũng đề nghị UBND thành phố chấp thuận thành lập thêm 3 cụm công nghiệp làng nghề tại các xã: Sơn Hà, Vân Từ, Tân Dân. "Thời gian tới, mục tiêu của Phú Xuyên là tập trung phát triển làng nghề bền vững để tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy lĩnh vực khác phát triển; phấn đấu 10% số làng nghề được công nhận là điểm du lịch và một số sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làng nghề đặc trưng đạt giá trị cao", ông Nguyễn Xuân Thanh khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phú Xuyên đẩy mạnh phát triển làng nghề