Huyện Thạch Thất chú trọng đào tạo nghề

Phương Uyên| 07/08/2020 07:10

(HNM) - Theo UBND huyện Thạch Thất, từ năm 2016 đến 2020, toàn huyện có gần 8.700 người lao động có nhu cầu học nghề. Trên cơ sở đó, các đơn vị chức năng của huyện phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho lao động trong độ tuổi.

Sau gần 5 năm, toàn huyện đã mở được 103 lớp đào tạo nghề cho 3.501 lao động với tổng kinh phí hơn 10,9 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, có 81 lớp được tổ chức, đào tạo nghề cho hơn 2.800 lao động với kinh phí gần 8 tỷ đồng.

Điển hình là xã Canh Nậu, nơi có hơn 60% lao động làm nghề mộc truyền thống, còn lại làm nghề xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp. Chủ tịch UBND xã Canh Nậu Nguyễn Trung Chi cho biết: "Ngoài "cha truyền, con nối", hằng năm địa phương phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức 2 lớp dạy nghề mộc cho hàng trăm lượt người. Hiện, 100% lao động trong độ tuổi ở Canh Nậu đều có việc làm ổn định với thu nhập 6-12 triệu đồng/người/tháng".

Tương tự, tại địa bàn xã Phú Kim, cùng với duy trì, phát triển nghề mộc truyền thống, 5 năm qua, xã phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức các lớp đào tạo nghề: May công nghiệp, mây tre giang đan, điện dân dụng, chăn nuôi... cho hơn 600 lượt lao động.

Chủ tịch UBND xã Phú Kim Cấn Mạnh Hồng cho biết, sau đào tạo, hơn 80% số lao động có việc làm tại các xưởng sản xuất trên địa bàn xã, còn lại, tự mở xưởng hoặc tham gia sản xuất tại nhà. Từ năm 2015, một số hộ ở thôn Ngoại Thôn mở xưởng may công nghiệp, tạo việc làm cho hàng chục lao động nữ. Điển hình như ông Nguyễn Đình Chiến ở thôn Ngoại Thôn, có xưởng may với 27 lao động.

Chị Nguyễn Thị Lập, là công nhân gắn bó với xưởng may của ông Chiến từ năm 2015 đến nay cho biết: "Thu nhập ở đây 4-10 triệu đồng/người/tháng, tùy công đoạn. Mức thu nhập này giúp tôi và nhiều công nhân ổn định cuộc sống".

Hay như ở xã Bình Yên, từ năm 2008, Công ty may Bình Yên (trực thuộc Tổng công ty May Đức Giang, huyện Gia Lâm) được thành lập. Đến nay, toàn xã có hơn 1.000 lao động làm việc trong công ty. Ngoài ra, xã còn có khoảng 10 hộ gia đình mở xưởng may công nghiệp. Ông Phạm Xuân Thụy, chủ xưởng may ở thôn Vân Lôi cho biết, năm 2012, gia đình đầu tư hơn 3 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị, xây nhà xưởng... Hiện, xưởng may của ông Thụy tạo việc làm cho hơn 30 công nhân với thu nhập 6-12 triệu đồng/người/tháng.

Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch Thất Nguyễn Hoàng Anh, tỷ lệ lao động toàn huyện có

việc làm sau đào tạo đạt 98,4%. Huyện có 9 công ty may, 67 cơ sở may công nghiệp và gần 1.200 hộ sản xuất hàng may công nghiệp. UBND huyện lựa chọn nghề may công nghiệp làm mô hình đào tạo điểm. Giai đoạn 2016-2020, toàn huyện mở 100 lớp đào tạo cho hơn 3.400 lao động học nghề may công nghiệp.

“Từ nay đến năm 2025, toàn huyện phấn đấu đào tạo nghề cho 21.500 lao động trong độ tuổi, đồng thời duy trì tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 98,5% trở lên, góp phần giúp lao động nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống” - ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thạch Thất chú trọng đào tạo nghề