Hiệu quả từ nông nghiệp hàng hóa ở Mê Linh

Đức Duy| 10/07/2020 07:27

(HNM) - Với mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững, trong những năm qua, huyện Mê Linh chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Vùng sản xuất rau an toàn tại HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao của huyện Mê Linh. Ảnh: Đào Cảnh

Đến xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) những ngày này bắt gặp những chiếc xe ô tô tải cỡ nhỏ ra - vào tấp nập chở rau, củ, quả... đi khắp nơi tiêu thụ. Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Trần Văn Khang cho biết, xã có gần 300ha đất canh tác đã quy hoạch thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng trồng rau an toàn quy mô 120ha, vùng trồng cây ăn quả 80ha... Nhờ phát huy lợi thế đồng đất, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng cây trồng tăng cao, sản phẩm nông nghiệp được thương lái, các siêu thị tới thu mua ổn định, giá trị cây trồng đạt 450-500 triệu đồng/ha/năm. Riêng bưởi đỏ Đông Cao, doanh thu từ 600 triệu đồng đến 700 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần cây trồng khác. Qua đó giúp nông dân có thu nhập ổn định, đời sống không ngừng được cải thiện. 

Cũng sản xuất theo hướng hàng hóa, nông dân thôn Cư An (xã Tam Đồng) tập trung trồng lúa nếp. Bà Bùi Thị Ngọc Anh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Cư An cho biết, hợp tác xã có 155 thành viên, hằng năm cấy từ 70ha đến 80ha lúa nếp cung cấp cho cơ sở chế biến cốm; so với trồng lúa tẻ, lợi nhuận từ sản xuất lúa nếp cao gấp 1,5-1,8 lần. Để tiếp tục tăng diện tích lúa hàng hóa lên 100ha, Ban Quản trị Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Cư An đang đàm phán với doanh nghiệp, cơ sở chế biến để ký hợp đồng dài hạn; đồng thời, xây dựng vùng trồng lúa thôn Cư An thành vùng nguyên liệu sản xuất cốm.

Tạo đà chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển theo hướng hàng hóa, thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh là một trong những giải pháp của huyện Mê Linh nhằm tăng thu nhập cho nông dân. Theo đó, năm 2018, UBND huyện đã hoàn thành công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp cho 13 xã, gồm: 43 vùng sản xuất lúa chất lượng cao (2.000ha), 92 vùng sản xuất tập trung (3.200ha).

Ngoài ra, để giúp nông dân ổn định sản xuất, huyện Mê Linh xây dựng 3 chuỗi giá trị, gồm: Chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả, hoa tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao; chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ Đông Cao (xã Tráng Việt); chuỗi sản xuất và tiêu thụ quả sạch Khánh Phong (xã Tiến Thịnh). Sản phẩm sản xuất theo chuỗi đều bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, được các doanh nghiệp cam kết tiêu thụ với mức giá ổn định.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô, nhờ khai thác tối đa nguồn lực từ đất, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa nên giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện hằng năm đều tăng. Cụ thể, năm 2015 đạt 137 triệu đồng/ha; năm 2019 đạt 174 triệu đồng/ha; dự kiến, năm 2020 đạt khoảng 190 triệu đồng/ha. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Mê Linh xuất hiện nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt giá trị kinh tế 500 triệu đồng/ha/năm; nuôi trồng thủy sản đạt 550 triệu đồng/ha/năm, chăn nuôi gia cầm đạt 1,5 tỷ đồng/mô hình/năm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ nông nghiệp hàng hóa ở Mê Linh