Tạo sinh kế phát triển bền vững

Nhật Anh| 27/06/2020 15:41

(HNMCT) - Số người Dao đang sinh sống và làm việc ở Hà Nội chỉ chiếm 4,32% tổng số người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố. Thế nhưng, nét văn hóa và đời sống của người Dao mang vẻ đặc sắc, đậm đà, là tiềm năng chờ được phát huy để đồng bào Dao khai mở sinh kế mới.

Nghề làm thuốc nam gia truyền của gia đình chị Triệu Thị Thuyết (xã Ba Vì, huyện Ba Vì).

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Lâu nay, nhắc đến người Dao không thể không nhắc đến những bài thuốc làm từ lá cây rừng, những lễ hội truyền thống đặc sắc, những bộ đồ thổ cẩm với hoa văn được nhuộm bằng sáp ong... Người Dao ở Hà Nội cũng vậy, dù đã “hạ sơn”, quần tụ và lập nghiệp quanh chân núi Ba Vì, song những tập quán truyền thống vẫn còn đó, tạo nên hợp sắc văn hóa mới của đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm.

Thôn Yên Sơn, xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) được coi là xứ sở của những bài thuốc nam của người Dao với 100% người dân trong thôn làm nghề bốc thuốc. Bí quyết làm nghề được trao truyền cho con cháu trong nhà, nhất là phụ nữ trong những lần đi nương, rẫy. Thuốc nam của họ chủ yếu sử dụng thân cây, cây dây leo, lá và củ, thường trộn nhiều vị khác nhau, chữa nhiều bệnh khác nhau. 

Nói đến thuốc nam của người Dao ở Ba Vì, người ta thường nhắc đến những bài thuốc dành cho phụ nữ sau sinh, thuốc tắm cho bé, thảo dược răng miệng, thuốc gan, thuốc bổ máu, thuốc chữa xương khớp... Năm 2003, Giáo sư Trần Văn Ơn - Trưởng bộ môn Thực vật học, Đại học Dược Hà Nội đã liệt kê 503 vị thuốc người Dao Ba Vì dùng để chữa các bệnh về xương khớp, sinh đẻ, bệnh ngoài da..., trong đó có khoảng 165 loại thuốc hay được người Dao sử dụng.

Tuy nhiên, như chị Bàn Thị Bình, một người Dao làm nghề thuốc ở xã Ba Vì, chia sẻ: “Theo thời gian, các lương y người Dao đã học hỏi để tạo ra các sản phẩm thuốc nam bán ra thị trường, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, từ sơ chế cho tới bảo quản, đóng gói, nhưng thuốc vẫn được bán chủ yếu dựa trên niềm tin của người dùng. Sản phẩm thuốc của chúng tôi còn thiếu rất nhiều thủ tục để được lưu hành trên thị trường như: Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký kinh doanh, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký lưu hành sản phẩm, đăng ký kiểu dáng công nghiệp, sáng chế”. Đây chính là rào cản khiến các lương y người Dao chưa thể phát triển sản phẩm thuốc rất đắc dụng của dân tộc mình.

Nghề thuốc gia truyền dù chưa mang lại sinh kế bền vững cho đồng bào Dao, nhưng họ vẫn “chung tình” với nghề, “chung tình” với những lễ hội truyền thống độc đáo của dân tộc mình và những bộ trang phục rực rỡ sắc màu Dao. Thế nên, mặc dù đã “hạ sơn” song người Dao Ba Vì vẫn cư trú theo những thôn bản riêng biệt, không có người khác tộc, để giữ gìn phong tục tập quán. Ông Lý Văn Phủ, một người có uy tín của thôn Yên Sơn, xã Ba Vì chia sẻ: “Dân tộc Dao ở đây còn lưu giữ rất nhiều lễ hội truyền thống như Tết nhảy, lễ Cấp sắc, lễ Khai quan, lễ Tạ mả...”. Đó là điểm hẹn của sắc màu Dao, của những vũ điệu có một không hai, của đời sống tinh thần sau những buổi đi rừng hái thuốc, lên nương canh tác... Những nét văn hóa đặc sắc ấy của người Dao cho đến giờ vẫn là một không gian hấp dẫn không chỉ với giới nghiên cứu văn hóa, mà cả với người làm du lịch và công chúng.

Những năm gần đây, du lịch cộng đồng đã “ghé chân” tới làng thuốc nam người Dao, bởi người làm du lịch đã nhận ra tiềm năng của nghề thuốc, của lễ hội, của trang phục, của phong tục tập quán đồng bào người Dao. Song, các hoạt động vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, thiếu bài bản, mạnh ai nấy làm. Điển hình là một số gia đình người Dao làm thuốc đã tự chỉnh trang nhà ở, trang trí khuôn viên, tổ chức thêm một số dịch vụ nhà nông, dịch vụ tắm lá thuốc để đón khách. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ ban hành chính sách, tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ du lịch cho người dân, nhưng thiếu cái nhìn thực tế và sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp để giúp dân làm du lịch một cách chuyên nghiệp.

Kết nối và lan tỏa

Sinh kế cho đồng bào Dao ở Hà Nội đã được nhìn thấy từ sự giàu có về bản sắc văn hóa tộc người. Thế nên, Đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội 2013 - 2015” đã đưa tri thức làm thuốc nam của người Dao ở Ba Vì vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội cần được ưu tiên bảo vệ. Hợp tác xã Dịch vụ thuốc nam dân tộc Dao Ba Vì được thành lập (năm 2008) nhằm khai thác và bảo tồn hiệu quả nhiều loài thuốc quý. Cùng với đó, huyện Ba Vì đã xây dựng Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì, giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020”, đồng thời có phương án phục dựng các nhà cộng đồng mang đặc trưng của dân tộc nhằm bảo tồn trang phục, ẩm thực truyền thống và các lễ hội... Thế nhưng, trên nền tảng đó, đồng bào Dao vẫn cần có sự kết nối cần thiết để hội nhập thị trường và phát triển thương hiệu.

Trong cuộc tọa đàm “Sinh kế của người Dao - những vấn đề thực tiễn” do nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 13 và 14-6 vừa qua, vấn đề này được cộng đồng người Dao chia sẻ đầy nhiệt huyết với mục tiêu: Gắn kết cộng đồng trong phát triển kinh tế và gìn giữ bản sắc văn hóa. Các lương y người Dao ở Ba Vì như chị Bàn Thị Bình, Triệu Thị Thuyết... đều bày tỏ nguyện vọng được tư vấn và kết nối để phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm thuốc gia truyền. Chị Bình chia sẻ: “Nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đã giúp kết nối hộ gia đình sản xuất thuốc gia truyền người Dao với doanh nghiệp. Sản phẩm thuốc của gia đình tôi đã được giới thiệu, bày bán tại hệ thống siêu thị Sunmart mà ông chủ sáng lập và điều hành cũng là một người Dao - anh Đặng Huấn”.

Sự kết nối này thực sự có ý nghĩa đối với đồng bào trong việc tạo sinh kế phát triển bền vững. Và nguyện vọng được kết nối, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm làm thị trường của đồng bào Dao không chỉ gói gọn trong “tài sản” thuốc nam gia truyền, mà còn ở việc bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực... thông qua du lịch. Phải nói rằng, cộng đồng người Dao nói chung, đồng bào Dao ở Hà Nội nói riêng đang nắm trong tay tài sản lớn mang dấu ấn bản sắc tộc người. Ở đó ẩn chứa tiềm năng kinh tế lớn mà nếu được kết nối, khai mở, chắc chắn sẽ đem lại nhiều cơ hội cho người Dao phát triển kinh tế đi đôi với phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng
Trưởng ban đại diện lâm thời Nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc”

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo sinh kế phát triển bền vững