Sắc hương miền sơn cước

Dương Thanh| 29/05/2020 12:53

(HNMCT) - Không chỉ hăng say lao động, phát triển kinh tế, giữ ấm no, hạnh phúc gia đình và chung tay xây dựng quê hương, những hội viên phụ nữ ở các xã miền núi huyện Thạch Thất còn góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như nền tảng cơ bản để khẳng định sự phát triển bền vững của vùng quê này...

Chị Bùi Thị Sơn ở xóm Dục, thôn 1, xã Yên Bình chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây thanh long với cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã.

Miền quê đáng sống

Nắng hè trải khắp những con đường thênh thang, xanh mướt với những hàng cây, rực rỡ bởi những luống hoa đủ màu sắc... khiến khung cảnh miền sơn cước xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) như bức tranh sơn thủy hữu tình, níu chân khách phương xa.  

Tiếp chúng tôi, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Yên Bình Nguyễn Thị Kim hồ hởi nói: “Để có những con đường hoa rực rỡ sắc màu khắp thôn xóm như hiện nay, trong suốt hơn 2 năm qua, phụ nữ các thôn, trong đó có phụ nữ người dân tộc Mường đã không quản vất vả, mưa nắng để trồng và chăm sóc”. Chị Nguyễn Thị Hằng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 1 (xã Yên Bình) vui vẻ tiếp lời: “Không ai bảo ai nhưng việc giữ cho nhà sạch, ngõ sạch và bốn mùa nở hoa đã thành nếp. Rác thải sinh hoạt được phân loại ngay tại mỗi gia đình, bỏ đúng nơi quy định, nên ngõ xóm, đường làng quanh năm sạch đẹp”.

Chị Nguyễn Thị Kim chia sẻ: “Toàn xã có 42% dân số là người dân tộc Mường. Vừa chăm sóc gia đình, chung tay làm sạch đẹp xóm làng, phụ nữ Yên Bình chăm chỉ làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Để giúp hội viên thoát nghèo, cán bộ Hội Phụ nữ không quản đường xa, đi lại khó khăn, đến từng nhà để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng gia đình muốn được hỗ trợ phát triển kinh tế với hình thức nào, như chăn nuôi bò, lợn hay gà... Qua đó, Hội kêu gọi xã hội hóa, giúp họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, số hộ nghèo của Yên Bình hiện chỉ còn 14 hộ (những năm trước là hơn 70 hộ). Về Yên Bình hôm nay ai cũng thấy rõ xã miền núi khó khăn trước đây nay đã trở thành miền quê đáng sống”.

Chị Nguyễn Thị Hằng cho biết thêm: Phụ nữ dân tộc Mường ở Yên Bình rất đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Mỗi khi có người ốm đau dài ngày hoặc có người thân mất là cán bộ phụ nữ liên hệ ngay, phân công người giúp việc vườn tược, đồng áng, lo giúp tiền, gạo...

Để giúp các nhà báo “mắt thấy, tai nghe”, chị Kim đưa chúng tôi đến thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ của chị Bùi Thị Sơn, người dân tộc Mường, ở xóm Dục, thôn 1. Chỉ những bông hoa trắng tinh khôi trên nền lá thanh long xanh mát mắt, chúng tôi được chị Sơn cho biết vườn thanh long đã 7 năm tuổi, quả ngon, người tiêu dùng tin tưởng nên đầu ra thuận lợi, giúp gia đình chị thu vài trăm triệu đồng mỗi năm. 

Trên hành trình đến với vùng miền núi huyện Thạch Thất, chúng tôi tiếp tục di chuyển tới xã Tiến Xuân. Tại đây, nhờ đồng vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều chị em người Mường ở xã Tiến Xuân đã vươn lên làm giàu. 

Phụ nữ xã Yên Bình chăm sóc tuyến đường hoa.

Dáng người mảnh mai, nụ cười tươi tắn, chị Nguyễn Thị Nhung ở xóm Gò Chói, thôn 4 (xã Tiến Xuân) cho biết, sau khi đi học nghề và thành lập tổ may, chị Nhung đã tạo việc làm cho bản thân và 3 đến 5 lao động khác với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. 

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tiến Xuân Bùi Thị Ngọc cũng là một điển hình trong phát triển kinh tế. Bốn năm qua gia đình chị đã phát triển đàn gà thả đồi với ít nhất 4.000 con/lứa, thịt gà ngon nên khách hàng thường xuyên đặt mua với số lượng lớn, giá tốt. Không riêng chị Ngọc, nhiều chị em ở Tiến Xuân cũng nuôi gà thả đồi với quy mô lên tới hàng chục nghìn con mỗi lứa. Nhờ đó, xã miền núi Tiến Xuân ngày càng có nhiều triệu phú từ chăn nuôi gà thả đồi, đồng thời mở ra hướng làm giàu bền vững, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương. 

Chị Bùi Thị Ngọc cho biết: “Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế bền vững, Hội tổ chức giúp đỡ 100% hộ nghèo phát triển kinh tế, đồng thời duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình tiết kiệm tại các Chi hội. 100% hội viên tham gia 55 nhóm tiết kiệm với tổng số vốn 932 triệu đồng dành cho các thành viên trong nhóm vay phát triển kinh tế mà không lấy lãi. Riêng về việc vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với hàng tỷ đồng, toàn Hội không có nợ xấu, nợ quá hạn...

Giữ gìn văn hóa truyền thống

Tìm hiểu về cuộc sống của phụ nữ vùng núi huyện Thạch Thất, có cảm giác như nét đẹp của chị em người dân tộc Mường được nhân lên gấp bội khi ai nấy đều trân trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tất tả mưu sinh mỗi ngày nhưng chiều về, các chị, các em lại xúng xính trong trang phục truyền thống, học đánh cồng chiêng, học hát dân ca.

Đến xóm Quê Vải, thôn 3 (xã Tiến Xuân), chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Mai và các thành viên đội văn nghệ của thôn. Nắng nóng, mồ hôi lấm tấm nhưng gương mặt ai cũng tươi tắn, rộn rã nói cười. Chị Mai cho biết đội vừa đi biểu diễn cồng chiêng tại các khu nghỉ dưỡng trên địa bàn xã vào dịp cuối tuần. Thù lao không nhiều nhưng mỗi lần được diện bộ váy áo Mường, cất lời ca trong tiếng cồng chiêng vang rền là ai cũng thấy mình tươi trẻ, tràn đầy sức sống.

Chăn nuôi gà thả đồi giúp gia đình chị Bùi Thị Ngọc ở xã Tiến Xuân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Lý giải về việc phụ nữ ở đây say sưa với giá trị truyền thống của người Mường đến thế, chị Bùi Thị Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tiến Xuân cho biết: “Trước kia, cũng bởi bận bịu mưu sinh nên những bộ trang phục và các loại nhạc cụ được xếp gọn. Nhưng khi kinh tế khấm khá hơn, đời sống của người dân được nâng cao và đặc biệt là sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, người dân tộc Mường ở các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung được Thành phố và huyện Thạch Thất quan tâm, mở các lớp đào tạo, khôi phục văn hóa của dân tộc Mường, nhất là từ khi thực hiện Đề án số 14/ĐA-UBND ngày 1-12-2016 của UBND huyện Thạch Thất về “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, giai đoạn 2016 - 2020”.

“Giờ đây, nhiều chị em có tới vài bộ váy Mường đẹp, áo dài truyền thống và cả váy cách tân... Mỗi khi địa phương có sự kiện văn hóa, hoặc dịp lễ, Tết chị em lại nô nức tham gia biểu diễn văn nghệ. Điều đó khiến chúng tôi hài lòng và thấy mỗi ngày một hạnh phúc hơn” - chị Bùi Thị Ngọc phấn khởi khoe. 

Nghe chuyện cồng chiêng ở Tiến Xuân, lại nhớ lúc trước lãnh đạo xã Yên Bình đã kể rằng năm 2010, người dân thôn Thuống, thôn Dân Lập (nay là thôn 2 và thôn 5) của xã Yên Bình cũng bảo nhau góp tiền mua 2 bộ cồng chiêng để tập. Nhờ nỗ lực khôi phục văn hóa cổ truyền của chính quyền và người dân mà đến nay, cả 3 xã Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân đều có từ 7 - 12 đội cồng chiêng. 

Cũng nhờ khôi phục văn hóa dân tộc mà phụ nữ Mường ở các xã Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân được giao lưu, tiếp xúc rộng rãi hơn, có điều kiện phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắc hương miền sơn cước