Hiệu quả từ các mô hình mới

Thanh Bạch| 27/05/2020 07:05

(HNM) - Không chỉ đẩy mạnh mô hình trồng lúa hàng hóa, trang trại chăn nuôi kết hợp (cá, vịt...), thời gian qua, huyện Phú Xuyên tập trung đầu tư phát triển nhiều mô hình nông nghiệp mới, như mô hình trồng rau theo hướng VietGAP, hữu cơ; trồng nấm, cây ăn quả... cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống nông dân.

Trồng rau hữu cơ cho thu nhập cao tại Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh thực phẩm an toàn Vinh Hà (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên). Ảnh: Mạnh Dũng

Trước đây, vùng đất bãi thuộc một số xã ven sông Hồng của huyện Phú Xuyên chủ yếu trồng các loại cây rau màu cho giá trị kinh tế thấp như ngô, đậu, lạc..., song 3 năm gần đây, người dân đã mạnh dạn đưa cây măng tây vào canh tác. Ban đầu, chỉ có vài hộ dân ở xã Hồng Thái trồng thí điểm măng tây xanh và trắng với quy mô nhỏ. Khi thấy loại cây trồng này cho hiệu quả kinh tế cao, người dân bắt đầu trồng nhiều hơn, giúp mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định.

Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Lê Văn Ấm cho biết: Hiện nay, giá măng tây xanh trên địa bàn ổn định ở mức 90.000 đồng/kg, măng tây trắng có giá 140.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, thu lãi trung bình khoảng 700 triệu đồng/ha/năm đối với măng tây xanh; khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm đối với măng tây trắng. Mô hình trồng măng tây đã đem lại thu nhập cao người dân trong xã.

Từ hiệu quả kinh tế của mô hình trồng măng tây, ngay từ đầu năm 2020, UBND huyện Phú Xuyên mở rộng diện tích từ 3ha lên 20ha, tập trung tại 4 xã ven sông Hồng gồm Hồng Thái, Khai Thái, Minh Tân, Tri Thủy.

Không riêng mô hình măng tây cho hiệu quả kinh tế cao, các mô hình trồng rau an toàn, rau hữu cơ, nấm, cây ăn quả kết hợp mô hình nông nghiệp sinh thái... cũng đang là hướng đi mới của nông nghiệp huyện Phú Xuyên. Anh Trần Văn Thuần, thôn Thường Liễu, xã Tân Dân chia sẻ: Năm 2013, tôi thuê hơn 4.500m2 quỹ đất công của địa phương để đầu tư trang trại nấm Thuần Việt. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nên đến năm 2019 tôi mở rộng quy mô lên 5.500m2. Hiện, mỗi ngày trang trại nấm Thuần Việt của gia đình anh Trần Văn Thuần cho thu hoạch 5-7 tạ nấm các loại và mộc nhĩ thương phẩm. Trừ chi phí, mỗi năm trang trại thu lãi 500-600 triệu đồng.

Còn chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh thực phẩm an toàn Vinh Hà, xã Hồng Thái cho biết: Từ khi đầu tư mô hình sản xuất rau hữu cơ và rau an toàn, công ty đã phát triển ổn định. Hiện nay, công ty đang cung cấp sản phẩm rau hữu cơ cho các hộ gia đình, 20 trường học... trên địa bàn cũng như tại hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, siêu thị Vinmart...

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, từ các mô hình nông nghiệp mới cho hiệu quả kinh tế cao, đến nay toàn huyện đã có 8 sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký mã truy xuất nguồn gốc như: Măng tây xanh Hồng Thái, rau cần Khai Thái, rau hữu cơ Vinh Hà (xã Hồng Thái), nấm Thuần Việt Tân Dân, bưởi Thồ Bạch Hạ... Năm 2020-2021, huyện tiếp tục chỉ đạo xây dựng, mở rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả này theo hướng kết nối sản xuất với tiêu thụ theo chuỗi nông sản giá trị cao.

"Bên cạnh đó, huyện xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp gắn với tái cơ cấu trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, sản phẩm có tính hàng hóa… Đồng thời, huyện tiếp tục đẩy mạnh tích tụ đất đai, tạo quỹ đất tập trung nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo tiền đề hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao”, ông Nguyễn Trọng Vĩnh thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ các mô hình mới