Phú Xuyên hướng "đích" huyện nông thôn mới

Nguyễn Mai| 17/04/2020 07:23

(HNM) - Theo quy định, để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương phải có 100% số xã đạt chuẩn và đạt 9 tiêu chí khác (quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện...). Đến nay, huyện Phú Xuyên đã có 26/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là điều kiện để huyện phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020. Để “cán đích”, Phú Xuyên đang nỗ lực tập trung cho các tiêu chí còn lại.

Đường giao thông nội đồng ở xã Hồng Thái (Phú Xuyên) được bê tông hóa.

Nhờ tập trung các nguồn lực, năm 2019, xã Hoàng Long của huyện Phú Xuyên đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Long Nguyễn Văn Hội, năm qua, xã được thành phố và huyện đầu tư xây dựng 3 trường học, 2 tuyến giao thông nông thôn, nhà làm việc “một cửa” của UBND xã. Xã cũng thực hiện cứng hóa 19 ngõ xóm, trong đó, nguồn vốn do nhân dân đóng góp được 3,9 tỷ đồng. Riêng quý I năm 2020, xã hoàn thiện được 3 xóm ngõ, huy động xã hội hóa được hơn 50 triệu đồng.

Không riêng Hoàng Long, theo Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Trần Đức Tuyến, hiện nay, 25/26 xã của Phú Xuyên đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng xã Sơn Hà, ngày 24-3-2020 đã được đoàn công tác của thành phố Hà Nội đánh giá đủ tiêu chí, đang trình thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, Phú Xuyên đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới - tiền đề để huyện phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian đầu, Phú Xuyên gặp nhiều khó khăn: Cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa, giao thông, thủy lợi nội đồng, tỷ lệ hộ nghèo... đều là các tiêu chí khó. Vốn là huyện nông nghiệp, thu ngân sách hạn chế nên kinh phí để đầu tư cơ sở hạ tầng không thuận lợi.

Trước những khó khăn trên, huyện đã rà soát, bố trí vốn và có cơ chế hỗ trợ vốn (từ đấu giá đất) để các địa phương thực hiện. Đặc biệt, Phú Xuyên ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng dân sinh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tránh lãng phí... Từ năm 2016 đến nay, huyện đã huy động được hơn 2.530 tỷ đồng, tạo thêm nguồn lực cho các xã xây dựng nông thôn mới. Bà Đặng Thị Bình ở thôn Lưu Đông (xã Phú Túc) cho biết, hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang, nhân dân rất phấn khởi và tích cực tham gia đóng góp gìn giữ thành quả chung.

Để đạt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2020, từ nay đến cuối năm, Phú Xuyên tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt, hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ của thành phố, Phú Xuyên xác định huy động nguồn vốn tại chỗ với việc tăng cường đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý đất xen kẹt; đồng thời, huy động các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các hợp tác xã và hộ kinh doanh góp vốn đầu tư thực hiện các dự án có khả năng thu hồi vốn như: Trung tâm thương mại, chợ đầu mối, hệ thống nước sạch, đào tạo nghề... Bên cạnh đó, huyện tiếp tục huy động nhân dân góp vốn, ngày công chung sức xây dựng các công trình hạ tầng, cải thiện môi trường nông thôn… hướng “đích” huyện nông thôn mới năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Xuyên hướng "đích" huyện nông thôn mới