Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội: Thêm hỗ trợ để sớm "về đích"

Minh Phú| 17/04/2020 07:16

(HNM) - Trong gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có hàng nghìn nhà văn hóa thôn, làng được đầu tư xây dựng. Tuy vậy, hiện nay ở một số thôn, làng vẫn chưa có nhà văn hóa, rất cần có giải pháp hỗ trợ để hoàn thành sớm tiêu chí này.

Nhà văn hóa được xây dựng khang trang là nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân nông thôn trên địa bàn Hà Nội.

Nhà văn hóa chưa "phủ kín" thôn, làng

Cơ sở vật chất văn hóa là tiêu chí số 6 trong bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới ở vùng ngoại thành Hà Nội, những năm qua, nhà văn hóa đã được đầu tư xây dựng ở hầu khắp các thôn, làng. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tính đến ngày 16-3-2020, Hà Nội có 2.403 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (chiếm 93,1%). Các nhà văn hóa này đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi thông tin: 100% thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã có nhà văn hóa. Trung bình mỗi tháng nhà văn hóa có ít nhất 10 buổi hội họp của chi bộ, các hội đoàn thể; sân nhà văn hóa là nơi người dân hoạt động thể thao... Hữu ích là thế, song nhiều nhà văn hóa do đầu tư đã lâu năm nên xuống cấp. "Dù nhà văn hóa đã "phủ kín" các thôn, làng, nhưng chỉ có 65% số nhà văn hóa đạt chuẩn, còn lại được xây dựng từ những năm 1990 đã xuống cấp hoặc quy mô quá nhỏ" - ông Trần Văn Lợi cho biết.

Ngoài chuyện công trình xuống cấp, quy mô nhỏ, nhiều xã cũng chưa đạt tỷ lệ 100% thôn, làng có nhà văn hóa do kinh phí đầu tư xây dựng công trình này khá lớn; hoặc đã có nhà văn hóa nhưng chưa đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Đơn cử như huyện Ứng Hòa mới có 110/149 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa (chiếm tỷ lệ 73,8%), còn 26,2% số thôn chưa có nhà văn hóa. 

Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa) Dương Tuấn Anh cho biết, đến nay, 5/5 thôn của xã vẫn chưa có nhà văn hóa do thiếu kinh phí đầu tư, người dân sinh hoạt văn hóa nhờ ở đình các làng. Tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Kim (huyện Thạch Thất) Cấn Mạnh Cường, do địa phương chưa bố trí được quỹ đất nên xã còn 2 thôn Bách Kim và Nội Thôn chưa có nhà văn hóa. Vì thế, các hoạt động văn hóa, tinh thần của người dân có phần hạn chế. 

Sẽ hoàn thành trong năm 2020

Lý giải nguyên nhân còn nhiều nhà văn hóa thôn, làng chưa được đầu tư, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Lê Hồng Hà cho biết: “Thu ngân sách của địa phương hạn chế, nên chưa thể đầu tư ngay. Huyện mong được thành phố hỗ trợ kinh phí để xây dựng những nhà văn hóa còn thiếu trong năm 2020, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân”.

Cũng băn khoăn về nhà văn hóa của thôn có quy mô nhỏ, ông Lưu Chí Dũng, Trưởng thôn Tây Sơn, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho hay, nhà văn hóa thôn Tây Sơn được xây dựng từ năm 1998 với diện tích 100m2, trong khuôn viên 200m2, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Địa phương mong muốn được các cấp hỗ trợ nâng cấp, mở rộng công trình này và người dân sẽ đóng góp thêm nguồn lực để cùng thực hiện.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, để đạt điểm tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, các xã phải có 100% thôn, làng có nhà văn hóa đạt chuẩn và có nhà văn hóa, khu thể thao trung tâm xã đạt chuẩn (theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Đến nay, toàn thành phố đã có 371/382 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới đạt và cơ bản đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, số xã còn lại chưa đạt tiêu chí rất cần được tháo gỡ để hoàn thành.

Cụ thể hơn về số nhà văn hóa còn thiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền cho biết, toàn thành phố hiện còn 165 thôn, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa, chủ yếu nằm ở các huyện khó khăn. Theo quy định, việc xây dựng nhà văn hóa các thôn, làng thuộc phân cấp đầu tư cấp huyện. Tuy vậy, với các huyện khó khăn, Sở đang tham mưu cho thành phố có cơ chế hỗ trợ 100% vốn từ nguồn ngân sách thành phố để các địa phương đầu tư xây dựng nhà văn hóa trong năm nay.

Đối với các thôn, tổ dân phố chưa có quỹ đất hoặc đã quy hoạch được vị trí xây nhà văn hóa nhưng thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng, Sở đề nghị thành phố chỉ đạo các ngành liên quan hướng dẫn, đề xuất giải pháp để các địa phương thực hiện. Đồng thời, đề nghị thành phố quan tâm, đầu tư cải tạo các nhà văn hóa đã xuống cấp, chưa đạt chuẩn cũng như cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao...

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cũng nêu ý kiến, bên cạnh kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, để các nhà văn hóa được đầu tư và khai thác hiệu quả thì rất cần sự vào cuộc của các địa phương. Việc này sẽ giúp đẩy mạnh công tác xã hội hóa để có thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị và làm phong phú các hoạt động của nhà văn hóa cũng như việc hiến đất để mở rộng khuôn viên công trình này...

Hiện nay số thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn thành phố chưa có nhà văn hóa không nhiều. Hy vọng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân trong năm 2020 này, tất cả các thôn, làng của Hà Nội sẽ có nhà văn hóa và tiến tới xây dựng các nhà văn hóa đạt chuẩn, góp phần hoàn thành và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội: Thêm hỗ trợ để sớm "về đích"