Nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh

Ngọc Quỳnh| 13/04/2020 08:01

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, điểm sáng trong bức tranh sản xuất nông nghiệp của Hà Nội là diện tích nuôi trồng thủy sản ổn định, năng suất và sản lượng tăng. Đặc biệt, người dân đã chuyển từ nuôi quảng canh sang thâm canh tập trung, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên tạo giá trị cao…

Người dân thu hoạch cá tại xã Trầm Lộng (huyện Ứng Hòa). Ảnh: Giang Sơn

Theo ông Trịnh Văn Tam ở xã Nghiêm Xuyên (huyện Thường Tín) với quy mô 3ha nuôi trồng thủy sản tập trung, nhờ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nuôi theo hướng thâm canh nên cá ít bị bệnh, năng suất đạt cao (khoảng 12 tấn/ha), cho thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/năm. Trước đây, vẫn diện tích này nhưng nuôi theo phương pháp quảng canh, năng suất chỉ đạt 5-6 tạ/ha...

Chung niềm vui, ông Quán Hải Hồng ở xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) cho biết: Với hơn 2ha nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, chủ yếu nuôi cá truyền thống: Trắm, chép, trôi, rô phi... với 2 vụ cá/năm, mỗi vụ thu hoạch khoảng 20 tấn cá. Từ đầu năm đến nay, thời tiết thuận lợi nên cá sinh trưởng và phát triển nhanh, ít nhiễm bệnh...

Về hiệu quả của nuôi trồng thủy sản, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn đánh giá: Trong 3 tháng đầu năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản của Hà Nội giữ ổn định 22.400ha, sản lượng nuôi trồng đạt 27.000 tấn, tăng 4,25% so với cùng kỳ năm 2019. Nhìn chung, diện tích nuôi trồng thủy sản của thành phố không biến động nhiều, nhưng sản lượng thu hoạch tăng do người dân thực hiện nuôi thâm canh. Nhờ phương thức này, năng suất, sản lượng thủy sản cao hơn 20-30% so với nuôi truyền thống, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc nuôi trồng thủy sản còn một số khó khăn. Theo ông Bạch Văn Nghị ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), hiện nay người nuôi trồng thủy sản vẫn “tự sản, tự tiêu”, chưa có sự liên kết với doanh nghiệp để ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. 

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của việc nuôi trồng thủy sản, theo bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, hằng năm, huyện đều phối hợp với Chi cục Thủy sản Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn cho người dân kiến thức khoa học kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản; thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu nước đánh giá chất lượng môi trường tại các vùng nuôi. Cùng với đó, huyện hỗ trợ người dân về con giống, kỹ thuật; triển khai một số mô hình nuôi cá thâm canh; đầu tư cơ sở hạ tầng đường điện, giao thông, thủy lợi nội đồng tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như: Tứ Hiệp, Đông Mỹ… để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản Hà Nội đạt khoảng 22.500ha, trong đó, diện tích nuôi thâm canh là 11.400ha (chiếm 50%), năng suất bình quân đạt 16,7 tấn/ha, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 212 nghìn tấn. Để phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả, Sở tiếp tục tham mưu thành phố triển khai đầu tư cơ sở vật chất cho 13 dự án xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại 10 huyện đã được phê duyệt (Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Thanh Trì). Hiện đã thực hiện xong 2 dự án ở 2 huyện: Ứng Hòa, Thường Tín. 

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội tập trung nâng cấp những cơ sở sản xuất, cung ứng con giống phục vụ nuôi trồng thủy sản cho người dân. Sở cũng đề nghị các huyện rà soát từng đối tượng vật nuôi, thủy sản... qua đó, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu phát triển từng vùng và nhu cầu thị trường; giảm nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ gần khu dân cư bởi hiệu quả thấp và gây ô nhiễm môi trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh