Phú Xuyên tập trung phát triển làng nghề

Ánh Dương| 06/04/2020 07:24

(HNM) - Huyện Phú Xuyên có 156 làng có nghề, trong đó 43 làng nghề được thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Giá trị sản xuất của các làng nghề mang lại gần 5.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 80% lao động nông thôn trên địa bàn. Tập trung phát triển mạnh làng nghề truyền thống cùng với tìm nghề mới nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn là một trong những mục tiêu chính của Phú Xuyên.

Làng nghề Vân Từ (huyện Phú Xuyên) có hơn 60% số hộ dân theo nghề may truyền thống, góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Ảnh: Long Khánh

Xã Phượng Dực là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống: Nặn tò he ở Xuân La, chế biến lương thực ở Đồng Tiến cùng một số nghề phụ khác (mộc, xây dựng...). Vốn năng động, người dân Phượng Dực du nhập thêm nghề may công nghiệp về địa phương, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. 

Chủ tịch UBND xã Phượng Dực Lê Quý Đôn cho biết, bên cạnh tập trung sản xuất nông nghiệp, duy trì, phát triển nghề truyền thống, đến nay cả 3 thôn của xã đều có thêm nghề may công nghiệp với hơn chục xưởng may lớn/nhỏ chuyên sản xuất màn, quần áo... tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương. 

Tại xã Vân Từ, hiện có hơn 60% số hộ dân theo nghề may truyền thống, trong đó nhiều hộ thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn, góp phần tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ được vinh danh làng nghề truyền thống may comple, dịp cuối năm 2019, xã còn được huyện Phú Xuyên thông báo chủ trương thành lập cụm công nghiệp làng nghề Vân Từ với quy mô dự kiến 7ha.

Cũng là một trong những địa phương giữ gìn được nghề truyền thống lâu đời, xã Bạch Hạ có nghề làm bánh đa, mỳ, phở... tập trung ở các thôn: Hòa Thượng và Hòa Hạ. Từ một nghề hoàn toàn thủ công, gần chục năm trở lại đây, một số công đoạn được người dân Bạch Hạ sử dụng máy móc, riêng công đoạn tráng bánh vẫn phải làm bằng tay. Nghề này cũng góp phần mang lại thu nhập cho lao động địa phương 5-7 triệu đồng/người/ tháng. "Xã có thêm một số nghề mới du nhập trong vài năm trở lại đây, như: Mộc, đan lưới, may mặc, kết hạt gỗ làm đệm ghế ô tô... giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động" - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bạch Hạ Vũ Đức Ty thông tin.

Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân, toàn huyện có 26 xã và 2 thị trấn đều làm nghề phụ, nghề truyền thống. Nhờ đó, rất nhiều lao động trong độ tuổi có việc làm ổn định, đạt 90,7-99,83%; điển hình là các xã nghề: Phú Yên, Chuyên Mỹ, Vân Từ, Phú Túc, Sơn Hà...

"Cùng với tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các làng nghề truyền thống, hằng năm, huyện chú trọng hỗ trợ, đào tạo nghề, nâng cao kiến thức nghề cho hơn 1.000 lao động nông thôn. Qua đó, góp phần giữ gìn, phát triển nghề truyền thống; đồng thời, giúp người dân thêm nguồn việc làm khi bắt nhịp với nghề mới được nhân cấy ở địa phương” - ông Lê Tiến Xuân cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phú Xuyên tập trung phát triển làng nghề