Yên bình Cổ Đô

Bài và ảnh: Linh Tâm| 28/03/2020 06:54

(HNMCT) - Cổ Đô là ngôi làng cổ yên bình nằm ở xã Cổ Đô (huyện Ba Vì, Hà Nội). Nét đặc biệt ở đây nằm ở chỗ nhiều nông dân Cổ Đô còn là những họa sĩ nghiệp dư tràn đầy tình yêu với hội họa. Về thăm Cổ Đô hôm nay, thấy rõ người dân đã biết tận dụng ưu thế đó để phát triển du lịch...

Du khách tham quan làng Cổ Đô.

"Làng họa sĩ nông dân"

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 70km, Cổ Đô - một ngôi làng cổ nép mình bên dòng sông Hồng, cách đó không xa là bến Trung Hà, nơi sông Đà và sông Hồng hợp lưu. Cổ Đô trước có tên là An Đô, sau đổi là An Bang, thuộc huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây (nay là huyện Ba Vì, Hà Nội). Làng Cổ Đô xưa nổi tiếng với nghề dệt lụa, là sản vật tiến vua. Ngoài ra, nơi đây còn nổi tiếng với nghề làm bún, một thời được sánh với bún Phú Đô nức tiếng của Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm). Không những thế, nơi đây còn được biết đến là vùng đất học, là làng thơ, làng họa sĩ mà nghệ sĩ chính là những người nông dân chân chất ở làng.

Dẫn chúng tôi đi dọc đường làng được bê tông hóa khang trang, một bên là vạt hoa đầy màu sắc, một bên là hàng cây thẳng tắp soi bóng xuống mặt ao được kè và lắp lan can cẩn thận, xa xa là đình Cháy (đình làng Cổ Đô) vừa được trùng tu, ông Nguyễn Ngọc Nho, Trưởng thôn Cổ Đô hào hứng chia sẻ: “Nhờ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, người dân Cổ Đô đã có ý thức giữ gìn môi trường, cảnh quan sạch đẹp.

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, tình nguyện hiến đất, hiến ngày công và đóng góp kinh tế để làm đường, trồng hoa, tu sửa các di tích trên địa bàn nhằm tạo cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp. Nhưng điểm thu hút du khách đáng kể ở Cổ Đô là các bảo tàng mỹ thuật mà có lẽ không làng nào có được”. Nói rồi, ông Nguyễn Ngọc Nho đưa chúng tôi đến tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô nằm đối diện với đình Cháy.

Bước vào Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô, chúng tôi ngạc nhiên chứng kiến một không khí sôi nổi khi các thành viên thảo luận về các tác phẩm đã hoặc đang hoàn thiện. Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Mỹ thuật Cổ Đô Hoàng Tuấn Việt tự hào chia sẻ: “Ở Cổ Đô này, đi đâu bạn cũng có thể chạm mặt họa sĩ bởi đa phần người dân nơi đây đều có khả năng vẽ và yêu thích hội họa. CLB của chúng tôi hiện có 40 hội viên thường xuyên tham gia sinh hoạt. Các tác phẩm của hội viên được trưng bày ngay tại bảo tàng này. Từ năm 2018 đến nay, CLB đã đào tạo cho hơn 200 con em trong làng và các xã lân cận đến học vẽ”.

Cổ Đô là ngôi làng duy nhất trong cả nước có tới 2 bảo tàng và 8 phòng tranh do chính dân làng thành lập. Nổi bật trong số đó là Bảo tàng họa sĩ Sĩ Tốt và gia đình. Tại đây trưng bày hàng trăm tác phẩm của cố họa sĩ Sĩ Tốt - người được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Nhiều tác phẩm của ông được trưng bày tại các bảo tàng lớn ở Pháp, Đức, Mỹ, Ba Lan, Thụy Điển... Ông từng dạy vẽ và truyền tình yêu hội họa cho các thế hệ người dân Cổ Đô, trong đó có không ít người đã trở thành họa sĩ chuyên nghiệp và là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Tăng sức hấp dẫn để phát triển du lịch

Bảo tàng họa sĩ Sĩ Tốt và gia đình.

Bên cạnh điểm độc đáo là “làng họa sĩ”, Cổ Đô còn sở hữu nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Đó là đền Cẩm Sơn với bề dày lịch sử trên 700 năm; là đình làng Cổ Đô được khởi dựng từ giữa thế kỷ XVII, hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý; là Khu đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi Bác Hồ về thăm Cổ Đô (ngày 8-7-1958)... Đặc biệt, phải kể tới hai di tích quốc gia là Nhà thờ Lưỡng quốc Thượng thư Phạm Sư Mạnh và Nhà thờ Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân - hai người con ưu tú đại diện cho truyền thống hiếu học của làng Cổ Đô. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Văn Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Phong Hà thì làng Cổ Đô vẫn chưa thực sự là điểm đến nổi bật, bởi còn thiếu sự đầu tư về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và thiếu sự kết nối với các doanh nghiệp lữ hành. Để tăng sức hấp dẫn, Cổ Đô cần xây dựng tuyến tham quan hợp lý, có hướng dẫn viên là người làng tâm huyết, am hiểu văn hóa, lịch sử của làng để kể cho du khách những câu chuyện hấp dẫn, chân thực.

Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Cổ Đô cho biết: Thời gian qua, xã đã chỉ đạo CLB Mỹ thuật Cổ Đô huy động các họa sĩ tham gia vẽ tranh, ký họa; mở các lớp dạy vẽ miễn phí. Bên cạnh đó, xã cũng cung cấp hệ thống đèn chiếu sáng, bảng thông tin nhằm làm nổi bật giá trị của các tác phẩm; định kỳ thay đổi tranh trưng bày... Ngoài ra, xã cũng lựa chọn một số hộ dân có điều kiện đón và phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của khách du lịch.

“Thời gian tới, xã sẽ đầu tư kinh phí cho các hộ dân mua xe đạp để phục vụ du khách trải nghiệm đời sống, cảnh quan tại địa phương, tiến tới phát triển mô hình dịch vụ homestay. Chúng tôi cũng lựa chọn 2 hộ sản xuất bún nhằm phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất; xây dựng 2 gian hàng bán hàng lưu niệm, quà tặng tại khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô”, ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch tại Cổ Đô, trong năm 2018 - 2019, UBND huyện Ba Vì đã huy động từ nguồn ngân sách huyện và kinh phí xã hội hóa với tổng số tiền là 15,6 tỷ đồng để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch tại xã Cổ Đô như là một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện Ba Vì. Năm 2019, Sở Du lịch Hà Nội đã công nhận Cổ Đô là Điểm đến du lịch của thành phố.

Song song với đó, Công ty Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội) đã triển khai lắp đặt 12 trạm phát wifi miễn phí tại làng Cổ Đô, là một phần nội dung trong triển khai thực hiện Đề án du lịch thông minh của thành phố. Có thể nói, với những điều kiện hết sức thuận lợi trên, hy vọng Cổ Đô sẽ trở thành một điểm đến thú vị, góp phần duy trì và lưu giữ nét văn hóa truyền thống, phát triển du lịch bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên bình Cổ Đô