Di sản văn hóa dân tộc thiểu số: Nguồn nội lực cho sinh kế bền vững

Xương Lâm| 27/03/2020 10:04

(HNMCT) - Trải qua bao thăng trầm lịch sử, di sản văn hóa Hà Nội vẫn không ngừng khẳng định được giá trị vốn có. Vì thế, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa dân tộc thiểu số, luôn được thành phố Hà Nội quan tâm, coi đó là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô.

Đồng bào Mường ở thôn Khánh Chúc Bãi, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Nguyễn Văn Thành

Đời sống mới trên nền văn hóa truyền thống

Đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Nội cư trú đan xen cùng người Kinh ở 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, 57,71% là người Mường, 17,81% là người Tày, 6,61% người Thái, 5,85% người Nùng... Một phần trong số đó cư trú tập trung theo cộng đồng thôn/bản tại 153 thôn, thuộc 14 xã của các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Mỗi dân tộc đều có phong tục, tập quán, sắc thái văn hóa riêng, hấp dẫn và độc đáo. Trong quá trình giao lưu, hội nhập và phát triển cộng đồng, các dân tộc thiểu số Thủ đô đã tiếp thu giá trị văn hóa của các dân tộc khác, văn hóa thời đại để tái tạo, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc mình, phù hợp với đời sống hiện tại.

Văn hóa thực sự đã tạo nguồn lực cho phát triển, những năm qua, bức tranh vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Nội đã tươi sáng hơn hẳn. Về Mỹ Đức, Thạch Thất hay Ba Vì đều tận mắt thấy những con đường bê tông trải dài từ đầu thôn đến cuối xóm; hệ thống trường học được tu sửa và xây mới đón học sinh đến trường mỗi ngày... Thực tế, 14/14 xã dân tộc miền núi đạt chuẩn quốc gia về y tế và các xã có đài truyền thanh, phủ sóng điện thoại di động, sóng truyền hình, 100% người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí...

Cũng chính từ những thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội, cộng đồng các dân tộc thiểu số lại có điều kiện quan tâm gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa của dân tộc mình. Âm vang cồng chiêng vọng khắp bản Mường. Dịp lễ, Tết, đồng bào duy trì các nghi lễ văn hóa của người Mường trong trang phục truyền thống... Sắc thái văn hóa độc đáo của người Dao hiện diện trong Tết cơm mới, lễ cấp sắc, Tết nhảy, múa chuông, múa rùa, hát páo dung; người Tày lại có hát then, đàn tính, lẩu then... Anh Phan Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai cho biết: "Xã Đông Xuân có 8 dân tộc, trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 80%. Để gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của bà con dân tộc thiểu số, hiện xã duy trì một đội cồng chiêng khoảng 20 người. Mỗi thôn đều có một bộ chiêng Mường. Ngày lễ, Tết tại địa phương vẫn duy trì các hoạt động ném còn, bắn nỏ, đặc biệt là ẩm thực cỗ lá độc đáo của người Mường. Thời gian tới, xã sẽ mời chuyên gia cồng chiêng ở Hòa Bình về truyền dạy để đội chiêng của địa phương có thêm chương trình phục vụ đời sống tinh thần của bà con".

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Bích Thìn, dân tộc Mường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất chia sẻ: “Trong những năm qua, Câu lạc bộ đã lan tỏa, nhân rộng mô hình này ở các thôn tại các xã của vùng đồng bào dân tộc và miền núi của Thủ đô; thu hút và nhận được sự yêu mến của cộng đồng. Kết quả hoạt động câu lạc bộ đã đóng góp rất thiết thực và hiệu quả vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa bản sắc dân tộc trên địa bàn huyện Thạch Thất và Thủ đô Hà Nội”.

Một trong những tài sản quý báu khác của cộng đồng các dân tộc thiểu số Thủ đô chính là tri thức về chữa bệnh cổ truyền với các cây thuốc nam được thu hái tại vùng núi Ba Vì. Đáng nói là đồng bào đã biết ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, liên kết với các tổ chức nghiên cứu khoa học, các doanh nghiệp để bào chế nhiều loại thuốc dân gian dưới dạng viên nang, nước, tạo ra các loại dược phẩm thuận tiện cho người sử dụng.

Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong cộng đồng các dân tộc thiểu số được coi là nguồn lực nội sinh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng. Thật vậy, các làn điệu dân ca, dân vũ, các lễ hội dân gian..., hay các di sản văn hóa như nhà sàn, trang phục truyền thống, ẩm thực, trò chơi dân gian... chính là nguồn lực tinh thần, giúp bà con tái tạo sức lao động sau những ngày mệt nhọc. Bên cạnh đó, các không gian văn hóa truyền thống, các lễ hội dân gian đều có thể trở thành sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.

Cộng đồng - người giải bài toán bảo tồn và phát triển

Để di sản văn hóa dân tộc thiểu số Thủ đô thực sự là nguồn lực nội sinh, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản tiêu biểu, các di sản có nguy cơ mai một, thất truyền. Điển hình là huyện Ba Vì, với thế mạnh về du lịch đã chủ động lồng ghép các chương trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số với chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020. Và trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa được ưu tiên đầu tư đồng bộ, toàn diện.

Tuy nhiên, trong việc bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa trong cộng đồng dân tộc thiểu số Thủ đô, cũng cần cân nhắc kỹ đến bài toán giữa bảo tồn và phát triển - hai mặt thống nhất chứ không phải đối lập nhau. Bảo tồn có chọn lọc, với hình thức và phương pháp phù hợp, tương xứng với giá trị và điều kiện cụ thể; đáp ứng yêu cầu cần và có thể bảo tồn. 

Trong quá trình bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc thiểu số Thủ đô, cũng rất cần “gạn đục khơi trong”, làm sống dậy các mỹ tục, các giá trị di sản văn hóa đã được khẳng định qua thời gian. Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố Hà Nội lần thứ III, năm 2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã đặt ra vấn đề: Thực hiện việc tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng nông thôn ven đô thị đất bán sơn địa, đa dạng sinh thái để tạo sinh kế mới cho người dân, tạo xung lực mới theo hướng ban hành cơ chế chính sách phù hợp về đất đai, dạy nghề, tín dụng, tiêu thụ sản phẩm... để phát triển các dự án sản xuất sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị. Cùng với đó là khai thác tiềm năng, lợi thế, có phương án bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số...

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhấn mạnh: “Ngày nay, di sản văn hóa dân tộc không đơn thuần là tài sản phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của cộng đồng, mà cần coi đó là nguồn lực nội sinh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt cần gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch, cần tôn trọng và đề cao vai trò của cộng đồng. Tôn trọng người dân làm du lịch từ vốn văn hóa của chính họ theo hướng trải nghiệm và xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng độc đáo của từng dân tộc”.

Vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô là vùng địa chính trị, địa văn hóa đầy tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả vùng và của cả thành phố. Nơi đây hứa hẹn là động lực phát triển các trung tâm vệ tinh của Thủ đô, nơi có cộng đồng các dân tộc thiểu số đang ngày càng phát huy tinh thần đoàn kết trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương, bản làng văn minh, giàu đẹp. Và, đúng như ý kiến của Thạc sĩ Trần Quốc Hùng, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân tộc (Học viện Dân tộc) thì: “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ cần phải được cả hệ thống chính trị vào cuộc chứ không riêng ngành Văn hóa. Bên cạnh vai trò định hướng, hỗ trợ của Nhà nước thì vai trò của cộng đồng có tính quyết định đối với di sản mà mình nắm giữ. Ý thức bảo tồn và phát huy văn hóa phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi thành viên trong cộng đồng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản văn hóa dân tộc thiểu số: Nguồn nội lực cho sinh kế bền vững