Chương Mỹ phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa

Kim Nhuệ| 25/03/2020 08:09

(HNM) - Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Chương Mỹ đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Từ kết quả này, Chương Mỹ đang nhân rộng để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường…

Nam Phương Tiến là một trong những xã có diện tích đồi gò lớn nhất huyện Chương Mỹ, với hơn 300ha. Do không thuận lợi về nguồn nước nên trước đây, người dân thường sử dụng một phần diện tích để trồng ngô, khoai, sắn, lạc, phần còn lại bỏ hoang hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn bộ diện tích đồi gò đã được phủ xanh bởi cây bưởi, ổi, nhãn… đang kỳ ra hoa kết trái, triển vọng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng trên mỗi héc ta sản xuất.

Ông Nguyễn Chí Năm, người dân thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến cho biết: “Được địa phương hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, gia đình tôi đã chuyển hơn 5.000m2 đất đồi gò từ trồng sắn sang trồng 500 cây bưởi Diễn. Vụ bưởi vừa qua, gia đình tôi đã thu hoạch hơn 40.000 quả, với giá bán 25-30 nghìn đồng/quả, doanh thu đạt 1-1,2 tỷ đồng. Nếu so với trồng ngô, khoai sắn…, cây bưởi cho giá trị cao gấp hàng chục lần”.

Không chỉ khai thác hiệu quả diện tích đồi gò, nhiều xã vùng đồng bằng của huyện Chương Mỹ đã chuyển phương pháp canh tác từ trồng lúa, rau màu sử dụng phân bón vô cơ sang phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao... Điển hình là xã Đồng Phú đã liên kết với các doanh nghiệp chuyển 90ha sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống sang áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Theo Chủ tịch UBND xã Đồng Phú Phạm Văn Hải, trồng lúa hữu cơ không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với phương pháp truyền thống mà còn tạo ra môi trường sống trong lành. Trên các cánh đồng trồng lúa hữu cơ ở Đồng Phú, tôm, cá đã sinh sôi trở lại. Bên cạnh đó, sản phẩm lúa gạo của Đồng Phú đã thâm nhập vào thị trường Nhật Bản và Mỹ…

Cùng với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, các xã: Lam Điền, Tốt Động, Phú Nghĩa, Trung Hòa… đã tích cực dồn điền đổi thửa, chuyển từ chăn nuôi hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại tập trung, xa khu dân cư; trong đó, nhiều hộ dân đã liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học, quy mô lớn…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân thông tin, thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện Chương Mỹ đã hỗ trợ nông dân cây, con giống, kỹ thuật canh tác, tiếp cận khoa học kỹ thuật... Đến thời điểm này, huyện Chương Mỹ đã hình thành 200ha trồng rau an toàn, 561ha bưởi, hơn 2.000ha lúa chất lượng cao, 385 trang trại chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư... Tính bình quân, giá trị sản xuất trên diện tích chuyển đổi đạt 150-200 triệu đồng/ha, cao hơn 50-70 triệu đồng so với diện tích chưa chuyển đổi…

Cùng với hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp, huyện Chương Mỹ đã xây dựng 12 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ các sản phẩm: Rau an toàn ở Hợp tác xã Rau, quả sạch thị trấn Chúc Sơn, bưởi hữu cơ ở xã Nam Phương Tiến, lúa hữu cơ ở xã Đồng Phú… Đây là tiền đề quan trọng để huyện Chương Mỹ xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, góp phần đưa mức thu nhập bình quân của người nông dân đạt hơn 50 triệu đồng trong năm 2020.

“Thời gian tới, huyện Chương Mỹ tiếp tục vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân tiếp cận, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả…”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương Mỹ phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa