Xây dựng nông thôn mới gắn với đời sống người dân

Kim Nhuệ| 20/03/2020 07:31

(HNM) - Mặc dù có xuất phát điểm thấp nhưng nhờ phát huy nội lực, gắn với đời sống người dân, Chương Mỹ đang dần “cán đích” huyện nông thôn mới. Phóng viên Báo Hànộimới đã tìm hiểu thực tế ở hai xã Tiên Phương và Lam Điền để thấy rõ hơn cách làm hiệu quả này.

Những ngày này, đến xã Tiên Phương dễ dàng bắt gặp nhiều tuyến đường làng, ngõ, xóm được đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ; nhiều công trình nhà văn hóa, trường, lớp học được sửa sang, xây mới; nhà ở của người dân được xây kiên cố…

Trao đổi với phóng viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Phương Tống Văn Thái cho biết: Trước đây, Tiên Phương có xuất phát điểm thấp với 6 tiêu chí đạt và cơ bản đạt, 13 tiêu chí chưa đạt… Nhận diện những khó khăn, xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến đến người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới, lựa chọn những tiêu chí, công việc gắn với đời sống người dân để chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó, xã tổ chức nhiều cuộc họp để lấy ý kiến đóng góp và giải đáp các thắc mắc của người dân liên quan chương trình xây dựng nông thôn mới…

Theo bà Đào Thị Mơ, người dân xã Tiên Phương: “Ngày đầu, chúng tôi chưa hiểu xây dựng nông thôn mới là làm những gì, người dân hưởng lợi gì, nhưng khi được xã tuyên truyền, chúng tôi hiểu việc xây dựng nông thôn mới không ngoài mục đích là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Vì thế, chúng tôi sẵn sàng ủng hộ chủ trương bằng những việc làm cụ thể như: Giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, đồng ruộng; sống thuận hòa, không gây mất an ninh trật tự, hoặc vận động họ hàng đưa thi hài người quá cố đi hỏa táng…”.

Từ được bàn, được biết, được tham gia, nhiều hộ dân ở Tiên Phương đã tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, công sức xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa thôn... Nhờ cách làm trên, Tiên Phương đã hoàn thành sớm các tiêu chí liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân, như: Vệ sinh môi trường, kiên cố hóa đường làng, ngõ xóm… Năm 2019, Tiên Phương đã “về đích” chương trình xây dựng xã nông thôn mới...

Còn tại Lam Điền - một trong những địa phương đầu tiên của huyện Chương Mỹ “về đích” xã nông thôn mới - đang có những bước tiến vững chắc để đạt xã nông thôn mới nâng cao. Theo Chủ tịch UBND xã Lam Điền Đặng Tiến Dũng: “Muốn hoàn thành chương trình nào thì mục tiêu cuối cùng vẫn là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Để tạo chuyển biến về thu nhập cho nông dân, xã xác định nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương. Trên cơ sở đó, Đảng ủy, UBND xã tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại...

Đến thăm các mô hình kinh tế trên địa bàn, mới thấy rõ chủ trương của xã Lam Điền vừa sát thực tiễn, vừa hợp lòng dân. Nói cách khác, nhờ chủ trương dồn điền đổi thửa, nông dân ở Lam Điền đã chủ động hơn trong việc trang bị kiến thức, đầu tư, chọn hướng phát triển kinh tế…

Trong câu chuyện, ông Đặng Văn Nam, người dân xã Lam Điền bộc bạch: “Nhận thấy nếu trồng lúa, nông dân chỉ đủ ăn, còn chăn nuôi sẽ khá hơn… Vì vậy, gia đình tôi đã nhận hơn 2.000m2 đất trong vùng quy hoạch chăn nuôi của xã, làm chuồng trại nuôi 500 con gà đẻ trứng. Những năm đầu, trang trại chỉ cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Để tăng hiệu quả cho mô hình, tôi đã đi học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tham quan nhiều mô hình trang trại... Từ đó, gia đình tôi đầu tư tăng đàn nuôi lên 8.000 con gà đẻ trứng kết hợp trồng bưởi, ổi… đến nay, trang trại của gia đình mỗi năm cho thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng”…

Tương tự cách làm của xã Tiên Phương và Lam Điền, 26 xã khác trên địa bàn huyện Chương Mỹ hiện đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; 2 xã cuối cùng là Hoàng Văn Thụ và Tốt Động cũng đang phấn đấu “về đích” trong năm nay. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để Chương Mỹ hoàn thành chương trình xây dựng huyện nông thôn mới trong năm 2020 theo hướng thiết thực, bền vững...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới gắn với đời sống người dân