Khởi sắc vùng ngoại thành Thủ đô

Nguyễn Mai| 17/03/2020 06:51

(HNM) - Người dân Hà Nội, trong đó có hơn 4,1 triệu người sinh sống ở vùng ngoại thành, đang náo nức kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố (17/3/1930 - 17/3/2020). Bởi từ sâu thẳm bà con biết, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, sự cần cù và tinh thần vượt khó của bà con nông dân, giờ đây, khu vực ngoại thành Thủ đô đã khởi sắc mạnh mẽ, trở thành những vùng quê đáng sống.

Đường làng rực rỡ sắc hoa ở xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh).

Đổi thay tích cực trên những vùng quê

Từ một vùng quê nghèo khó, xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa) đã có bước chuyển mình với diện mạo khang trang, những tuyến đường chính, đường liên xã và ngõ xóm được đầu tư, mở rộng, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. "Năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất, vận động nhân dân chuyển sang sản xuất đa canh: Lúa - cá - vịt với hàng chục héc ta; hỗ trợ phát triển sản xuất nên kinh tế, xã hội có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, xã đã hình thành được 20 trang trại tập trung, quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao", Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thái Nguyễn Thanh Hưng cho biết.

Giống với Vạn Thái, các vùng quê ngoại thành Hà Nội đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Từ đê sông Hồng nhìn xuống xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) là hàng trăm xưởng sản xuất đồ mộc cùng những ngôi nhà tầng khang trang, sạch đẹp..., minh chứng cho sự trù phú của ngôi làng ven sông. Xã Liên Hà có 3 thôn: Thượng, Đoài, Quý chuyên nghề làm mộc, thu hút hơn 1.000 hộ tham gia, trong đó nhiều hộ đã thành lập doanh nghiệp. “Ở đây, hộ sản xuất lớn, đầu tư máy móc và nhà xưởng lên tới hàng tỷ đồng; hộ sản xuất nhỏ cũng đầu tư từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Nhờ nghề này, nhiều nhà cao tầng trong xã mọc lên san sát, tỷ phú ở xã không hiếm. Năm 2019 vừa qua, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Liên Hà Lê Thị Tuyết vui mừng cho hay.

Theo Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, trong hơn 10 năm qua, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố - đặc biệt là Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân - khu vực ngoại thành Thủ đô đã khởi sắc từng ngày. Các huyện, thị xã đã đầu tư được gần 6.000km giao thông nông thôn; gần 1.470 trường học 3 cấp (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) được xây mới, nâng cấp, cải tạo; hàng nghìn nhà văn hóa, trung tâm thể thao ở các thôn/làng được đầu tư khang trang... Hiện nay, thành phố có 6 huyện và 356/386 xã (chiếm 92,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Cuộc sống ở các vùng quê ngày một đổi thay tích cực, thu nhập của người dân được nâng cao và quan trọng hơn, họ được sống trong môi trường ngày càng văn minh, hiện đại. Hiện, hầu hết các làng quê của Hà Nội đều thực hiện việc cưới, việc tang văn minh, không ăn cỗ trong đám tang, giảm cỗ bàn trong đám cưới. Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi ở nhiều địa phương như phong trào chơi bóng chuyền hơi ở xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì), hát chèo tàu ở xã Tân Hội (huyện Đan Phượng), các đội cồng chiêng ở các xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Thạch Thất)...

Đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp

Những ngày giữa tháng ba, dạo khắp ngoại thành Hà Nội từ vùng núi Ba Vì, Sơn Tây tới các huyện ven đô: Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh; ngược sang Sóc Sơn, Mê Linh..., không khó để bắt gặp những tuyến đường làng ngợp sắc hoa, khang trang, sạch đẹp.

Tại thôn Thụy Lôi thuộc xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh), thứ bảy, chủ nhật là “ngày dành cho môi trường”. Vào hai ngày này, ai cũng tranh thủ tham gia lao động công ích với nhiều hoạt động như: Thu gom rác thải, trồng cây xanh, nhổ cỏ tại tuyến đường hoa của thôn. Bà Nguyễn Thị Thoa, giáo viên đã nghỉ hưu hồ hởi nói: “Thôn Thụy Lôi có nhóm “Những người yêu môi trường” và “Hội các thế hệ sinh viên thôn” hoạt động rất tích cực. Từ cuối năm 2018 đến nay, chúng tôi đã phát quang bụi rậm, san gạt đất, trồng được 4 tuyến đường hoa với tổng chiều dài khoảng 1.000m; đồng thời tuyên truyền đến toàn thể nhân dân có ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông và rác thải nhựa... Đặc biệt, những tuyến đường hoa đều do nhân dân "xã hội hóa" với mong 
muốn xây dựng quê hương xanh, sạch, đẹp hơn”...

Nhiều vùng nông thôn của Hà Nội đã có đèn điện chiếu khắp đường làng, ngõ xóm. Tại thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ) từ cuối năm 2019, nhân dân trong thôn đã xã hội hóa, lắp đặt hệ thống chiếu sáng toàn thôn. Có điện, người dân trong thôn đi lại thuận tiện, một số gia đình bắt đầu hình thành thói quen đi dạo, tập thể dục vào buổi tối. “Năm 2019, xã làm mới được 182/184 tuyến giao thông ngõ xóm với hình thức nhà nước hỗ trợ vật liệu, nhân dân đóng góp ngày công. Có đường mới, nhân dân tiếp tục đóng góp tiền của, công sức để lắp đặt hệ thống chiếu sáng giúp mọi sinh hoạt buổi tối trở nên thuận tiện, an ninh trật tự được bảo đảm” - ông Lê Đình Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên thông tin.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, huyện thường xuyên phát động các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường và trồng hoa trên các tuyến đường. Đến nay, tổng diện tích trồng hoa tại các xã, thị trấn trên địa bàn đã đạt hơn 86.000m2; trên 90% khuôn viên trong và ngoài trường học, trụ sở làm việc cơ quan đơn vị, tổ chức, các xã, thị trấn, nhà văn hóa thôn, đình, chùa, doanh nghiệp... đều được trồng hoa và cây xanh.

Chia sẻ về cách làm ở địa phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phúc Thọ Đoàn Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, huyện đã phát động phong trào "ba sạch" (nước sạch, môi trường sạch và nông nghiệp sạch) với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể cho từng thôn, xã. Phong trào nhanh chóng được nhân dân hưởng ứng, chung tay thực hiện. Nhiều xã đã lắp đặt biển chỉ dẫn tuyến đường thôn xóm, đánh số nhà; nông dân ký cam kết và thực hiện xử lý chất thải chăn nuôi trước khi thải ra môi trường, không sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật...

Tại huyện Đông Anh, công tác xây dựng nông thôn mới được gắn với thực hiện các tiêu chí để chuyển từ xã lên phường, từ huyện lên quận theo chỉ đạo của thành phố. Cụ thể, huyện đã triển khai thực hiện 15 đề án thành phần, trong đó có nhiều phần việc như: Lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên các tuyến đường, điểm vui chơi công cộng toàn huyện; trồng cây xanh, cải tạo ao hồ...

Có thể thấy, song song với phát triển sản xuất, toàn bộ 18 huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cũng như đầu tư, chăm chút, không ngừng mở rộng các tuyến đường hoa/cây xanh... Khu vực ngoại thành Hà Nội ngày càng hiện đại, văn minh; hòa chung với sự lớn mạnh của Thủ đô và đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi sắc vùng ngoại thành Thủ đô