Gieo mầm sắng trên đất Phật

Mai Hằng| 12/03/2020 17:09

(HNMCT) - Vượt quãng đường gần 60km từ trung tâm Hà Nội về xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), tiếp tục 2 giờ đồng hồ xuôi đò theo dòng suối Yến, đất Phật Hương Sơn đã hiện ra trước mắt.

Những vần thơ của thi sĩ Tản Đà “Muốn ăn rau sắng chùa Hương/ Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa” thúc giục chúng tôi vượt thêm hàng nghìn bậc đá, lần bước sâu vào trong rừng Hương Tích để được mắt thấy, tai nghe, tay hái những ngọn rau sắng vừa mọc hoang dại trên khe núi cheo leo, vừa được trồng thành hàng thẳng tắp giữa những vạt rừng xanh tốt.

Thu hoạch rau sắng ở thung Trò Cả. Ảnh: Mai Nguyễn

Nhọc nhằn nghề “lận sắng”

Trong hành trình về đất Phật Hương Sơn, chúng tôi may mắn được gặp lão nông Nguyễn Văn Áp, “tay” đi rừng có tiếng một thời ở thôn Yến Vỹ. Vóc dáng nhỏ thó, cả đời đi rừng, leo núi, trèo hái rau sắng nên đôi bàn chân cụ chai cứng. Đặc biệt, hồi đó, đã không đi thì thôi chứ vào rừng ngày nào cụ cũng kiếm được dăm, bảy cân sắng mang về. Giờ đã sang tuổi 95, tai kém nhưng khi nghe hỏi về nghề “lận sắng” (hái rau sắng), cụ Áp bắt nhịp ngay: “Trời phú cho tôi đi đến đâu nhớ đến đó. Bởi vậy mà cánh rừng Hương Tích bạt ngàn, chỗ nào có rau sắng tôi đều quen lối. Sáng vào rừng lận sắng; chiều ra đến bến đò là bán ngay cho người mua rồi mới về nhà. Nhờ nghề này mà tôi nuôi được 6 người con trưởng thành”.

Theo lời kể của cụ Áp, cách đây chừng 25 - 30 năm, rừng Hương Tích vẫn còn nhiều thú dữ. “Tôi đã có lần gặp hổ dữ, phải ở yên trên cây, chờ chúng bỏ đi mới dám xuống. Thời đó còn khó khăn nên những người đi rừng sáng dậy ăn no cơm, trưa chỉ ăn cọng sắng tươi, đến chiều tối mới về”.

Là thế hệ đi sau, ông Trịnh Văn Ích (60 tuổi, ở thôn Yến Vỹ) cũng có 35 năm theo nghề “lận sắng”. Ông Ích kể: “Năm 1985, khi sinh cháu đầu lòng gia đình tôi khó khăn lắm. Ngoài làm ruộng hai vợ chồng không biết làm gì để kiếm thêm. Thấy trong làng có mấy người đi “lận sắng” nên tôi theo. Những ngày đầu đi rừng, không những không được rau mà mình mẩy đầy thương tích bởi cây rừng cào, cứa.

Nhờ những người đi trước chỉ bảo, một thời gian ngắn sau tôi đã kiếm được những mẻ rau sắng “đầu tay”. Năm 1985, khách tham quan chùa Hương chưa nhiều, rau sắng dù bán rẻ nhưng mỗi buổi đi rừng về tôi cũng mua được trên dưới 10kg gạo. Dần dần thung Han, Hú, Lành Vạch, rừng Mỏ, Mả Mê, Thói Láo... chỗ nào tôi cũng biết. Từ đó gia đình tôi bắt đầu có của ăn, của để” - ông Ích tâm sự.

Nghề “lận sắng” chẳng khác nào “đi câu”, khi được khi không. Sắng là cây thân gỗ, thường mọc chênh vênh trên khe núi nên để hái được ngọn rau rất nhọc nhằn. Hơn nữa, sắng chỉ ra mầm từ tháng Hai đến tháng Bảy, tháng Tám âm lịch. Cũng bởi nỗi nhọc nhằn đó mà số người theo nghề “lận rau sắng” ở Hương Sơn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến thời điểm này chỉ còn ông Ích ở thôn Yến Vỹ, ông Tiến ở thôn Đục Khê còn theo nghề.

Cây “hái ra tiền”

Từ chùa Thiên Trù bước thêm hàng trăm bậc đá chúng tôi đến ngã ba Trò Cả. Men theo con đường rừng khoảng 1km nữa, vườn sắng rộng khoảng 3,5ha của gia đình anh Nguyễn Văn Minh, thôn Yến Vỹ hiện ra trước mắt. Anh Minh là người đi tiên phong ở xã Hương Sơn tìm cách ươm hạt rau sắng, để từ đó “biến” cây rau sắng vốn chỉ mọc tự nhiên trong rừng sâu thành cây “hái ra tiền” của người dân Hương Sơn.

Vừa dẫn chúng tôi thăm rừng sắng, anh Minh vừa kể: “Năm 1996, tôi và anh trai nhận thầu 10ha rừng này. Khi đó chưa biết sắng có thể trồng được nên anh em tôi trồng hàng trăm gốc nhãn Hương Chi (Hưng Yên). Do thổ nhưỡng không hợp, cây cho quả ít, giá bán thấp, tiền vay không trả được khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Thế rồi, “cái khó ló cái khôn”, thấy cây sắng trong rừng không ai trồng nhưng vẫn mọc tươi tốt, thi thoảng giữa những vạt rừng già lại mọc lên một cây sắng non, từ đó tôi quyết định nghiên cứu cách ươm mầm sắng”.

Để có hạt giống, vợ chồng anh Minh phải lận rừng hái quả sắng chín. Mất 2 năm đầu ươm mầm sắng từ hạt, tỷ lệ cây mọc thấp. Không ngại khó, anh đi học hỏi khắp nơi. Rồi hạnh phúc đã mỉm cười với gia đình anh khi những lứa cây sắng giống lần lượt thành công. “Năm 2007, tôi bắt đầu chặt một số cây nhãn Hương Chi, trồng xen dưới tán nhãn khoảng 1 vạn cây sắng. Thấy sắng phát triển, tôi tiếp tục phá nhãn, trồng sắng. Đến nay 3,5ha đất tại thung Trò Cả đã được phủ kín bởi cây sắng” - anh Minh cho biết.

Đất không phụ công người, sau 5 - 6 năm ươm trồng, vườn sắng của gia đình anh Minh bắt đầu cho thu hoạch. “Để sắng cho sản lượng cao, tôi trồng cây theo hàng, mỗi cây, mỗi hàng cách nhau hơn một mét. Là cây thân gỗ, để không phải trèo hái sắng, tôi thí điểm cắt gốc cây thấp ngang đầu người, vừa tiện chăm sóc, vừa dễ hái” - anh Minh chia sẻ. Mỗi năm, từ 3,5ha sắng thu hoạch được 6 - 7 tạ rau. Với giá bình quân 150.000 đồng/kg, vườn sắng đem lại cho gia đình nguồn thu khá lớn. “Không chỉ trồng sắng, tôi còn ươm cây sắng bán cho các gia đình có nhu cầu, trong 6 năm qua tôi đã bán được hơn 7 vạn cây”.

Xuống bến đò Thiên Trù, xuôi dòng suối Yến khoảng 1km rồi tiếp tục rẽ phải vào nhánh suối nhỏ 1km nữa, chúng tôi đặt chân tới rừng Vài, nơi 6 hộ dân thôn Yến Vỹ đang nhận khoán bảo vệ rừng. Khu rừng của gia đình anh Nguyễn Văn Vinh trải rộng trên những dãy núi, địa hình không bằng phẳng nên việc trồng, chăm sóc và hái sắng khó khăn hơn rất nhiều. Anh Vinh dẫn chúng tôi leo qua những mỏm đá lởm chởm, vừa đi vừa dừng chân hái “lộc rừng” là những ngọn sắng non tự nhiên.

“Khu rừng gia đình tôi đang thầu có 40 cây sắng mọc tự nhiên, nhiều cây có tuổi đời hơn 100 năm. Đời ông, đời cha tôi đã hái rau từ những cây này về ăn. Sau này, khi khách du lịch đến Hương Sơn ngày một nhiều, rau sắng mới trở thành hàng hóa. Trong xã có một số hộ ươm được cây giống, tôi mua về trồng thêm. Đến nay, khu rừng đã có hàng nghìn cây sắng nhỏ” - anh Vinh trải lòng. Tại rừng Hương Tích, không chỉ có hộ anh Minh, anh Vinh mà còn rất nhiều hộ trồng sắng cho thu nhập cao và ổn định.

Là người vừa trực tiếp nhận trông nom rừng, hàng chục năm “làm bạn” với cây sắng, ông Nguyễn Mạnh Hải - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Sơn cho biết: “Gần 10 năm trở lại đây, ngoài hái rau sắng tự nhiên tại các vạt rừng, nông dân ở các thôn Yến Vỹ, Đục Khê, Phú Yên bắt đầu trồng sắng với quy mô lớn. Toàn xã hiện có 70ha rau sắng, trong đó có trên 40ha mọc tự nhiên rải rác trên các vách đá và 30ha trồng dưới tán rừng, tập trung chủ yếu ở khu vực rừng thuộc thôn Yến Vỹ, Phú Yên và Đục Khê”.

Việc trồng rau sắng đã và đang hình thành vùng sản xuất tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đất Phật. Thế nhưng làm thế nào để rau sắng chùa Hương không chỉ là món ăn chất lượng mà còn xứng đáng với danh hiệu đặc sản của vùng đất thiêng Hương Sơn, gắn với danh thắng “Nam thiên đệ nhất động” để làm giàu cho nông dân luôn là câu hỏi khó.

Trước thực tế trên, Đảng ủy, UBND xã Hương Sơn đã quyết tâm xây dựng nhãn hiệu tập thể “Rau sắng chùa Hương”, giao Hội Nông dân xã trực tiếp tổ chức thực hiện việc đăng ký và quản lý nhãn hiệu. Bắt đầu triển khai từ tháng 5-2017 với sự chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện Mỹ Đức và sự hỗ trợ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nông dân xã Hương Sơn đã xây dựng quy trình sản xuất, quy định, quy chế và hoàn thiện các thủ tục đăng ký bản quyền chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu.

Tháng 7-2018, Hội Nông dân xã Hương Sơn chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Rau sắng chùa Hương”. Đến nay, rau sắng chùa Hương đã đủ tiêu chuẩn tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản, thực phẩm an toàn của thành phố Hà Nội tại địa chỉ Hn.check.net.vn, được gắn mã truy xuất nguồn gốc và tem chống hàng giả.

Đánh giá về việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Rau sắng chùa Hương”, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Vương Trọng Đạo nhấn mạnh: Việc xây dựng thành công nhãn hiệu “Rau sắng chùa Hương” và đưa vào quản lý, tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng và bảo vệ thương hiệu là bước ngoặt lớn đánh dấu sự phát triển của loại rau đặc sản miền đất Phật. Việc làm này sẽ góp phần đưa rau sắng vươn xa hơn nữa, để từ đó rau sắng thực sự là cây “hái ra tiền” của người dân Hương Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gieo mầm sắng trên đất Phật