Chủ động thích ứng trước biến đổi khí hậu

Kim Nhuệ| 26/02/2020 07:36

(HNM) - Thích ứng với biến đổi khí hậu, huyện Mỹ Đức đã chủ động chuyển diện tích khó sản xuất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản hoặc cây trồng sử dụng ít nước… Nhờ đó, nhiều thửa ruộng trồng lúa kém hiệu quả kinh tế hoặc bị bỏ hoang đã trở thành những vườn cây, ao cá… cho thu nhập cao.

Những diện tích ruộng trũng được xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) chuyển đổi sang nuôi vịt cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Giang Sơn

Đến thăm mô hình sản xuất lúa, cá, vịt của gia đình ông Nguyễn Xuân Chỉnh, ở thôn Phú Hiền (xã Hợp Thanh), chúng tôi thực sự ấn tượng với cách làm của người nông dân. Trong 13,2ha đất trũng, ông Nguyễn Xuân Chỉnh đắp bờ chia thành 3 khu vực sản xuất. Nơi trũng nhất, ông dồn nước vào để thả cá quanh năm; nơi cao hơn để trồng lúa cho cá ăn theo mùa vụ; nơi cao nhất được bố trí làm chuồng trại nuôi vịt thịt và vịt đẻ trứng. Với cách làm này, “mỗi năm gia đình thu khoảng 1,2 tỷ đồng từ cá và 500 triệu đồng từ trứng vịt; trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 1,2 tỷ đồng...”, ông Nguyễn Xuân Chỉnh vui mừng nói.

Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thanh Chu Đức Trí cho biết, gia đình ông Chỉnh là một trong nhiều mô hình chuyển đổi hiệu quả trên địa bàn. Xã có 550ha sản xuất nông nghiệp, do biến đổi khí hậu nên những năm gần đây, hơn 136ha đất vùng ven núi, thuộc khu vực thôn Phú Hiền thường xuyên bị thiếu nước gieo cấy trong vụ xuân và ngập úng trong vụ mùa…

“Thực hiện chủ trương của huyện, xã Hợp Thanh đã chuyển đổi 136ha đất trũng sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng sen, nuôi vịt… Tính bình quân, mỗi héc ta đất chuyển đổi trên địa bàn xã đạt giá trị hơn 200 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa trước đây…”, ông Chu Đức Trí cho biết.

Không riêng Hợp Thanh, biến đổi khí hậu đã khiến 1.712ha đất nông nghiệp của các xã: An Tiến, Hợp Tiến, Hồng Sơn, Tuy Lai, Thượng Lâm, Mỹ Thành, Bột Xuyên… đối diện nguy cơ thiếu nước gieo cấy vụ xuân, bị úng ngập vào vụ mùa.

Trước thách thức này, huyện Mỹ Đức đã xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác… Từ đó, nhiều hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang dần khẳng định tính hiệu quả, trong đó, xã Mỹ Thành là một điển hình khi đã liên kết với Công ty Dược Tuệ Linh triển khai mô hình trồng cây cà gai leo làm dược liệu trên nền ruộng cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Đinh Tiến Thao cho biết: Từ khi chuyển 10,6ha đất nền cao sang trồng cây dược liệu, đơn vị thủy nông và hợp tác xã không còn áp lực trong việc cung cấp nước gieo cấy vụ xuân. Nhờ đó, giá trị sản xuất cũng cao hơn nhiều so với cấy lúa, nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng…

Trong số hơn 1.700ha đất lúa có nguy cơ bị thiếu nước và úng ngập, kém hiệu quả kinh tế, huyện Mỹ Đức đã chuyển đổi 1.544ha sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi thủy cầm, 178ha chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả ít tiêu hao nước như: Bưởi Diễn, ổi Đài Loan, cây dược liệu… Giá trị bình quân mỗi héc ta chuyển đổi khoảng 170-250 triệu đồng/năm.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát diện tích trồng lúa kém hiệu quả, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu để chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Để nâng cao hiệu quả diện tích chuyển đổi, huyện khuyến cáo nông dân các xã, thị trấn thực hiện các mô hình phù hợp cả về điều kiện canh tác và thị trường tiêu thụ; trong đó, tập trung sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có đầu ra ổn định. Huyện tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giúp giảm bớt các khâu trung gian để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất bền vững hơn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động thích ứng trước biến đổi khí hậu