Hiệu quả khoai tây vụ xuân ở Hương Ngải

Minh Phú| 21/02/2020 07:25

(HNM) - Thông thường, khoai tây được trồng nhiều trong vụ đông, sau hai vụ lúa, nhưng ở xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất, Hà Nội), nông dân trồng khoai tây cả trong vụ xuân. Tuy trái vụ, song năng suất, chất lượng khoai tây bảo đảm và bán được giá cao hơn so với trồng chính vụ.

Nông dân chăm sóc khoai tây vụ xuân tại vùng rau an toàn xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất. Ảnh: Ngọc Ánh

Cánh đồng xã Hương Ngải những ngày này xen ruộng lúa vừa cấy là những ruộng khoai tây đang cho thu hoạch hoặc chuẩn bị thu hoạch. Ông Lê Văn Dư ở đội 7 (xã Hương Ngải) vừa kiểm tra ruộng khoai tây vừa cho biết: “Trong cả hai vụ đông và xuân, gia đình tôi đều trồng khoai tây. Trung bình, mỗi sào khoai cho thu hoạch khoảng 5-6 tạ củ, gia đình tôi thu được khoảng 7-8 triệu đồng/sào/vụ”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nga ở thôn 3 (xã Hương Ngải) cho biết: "Năm nào gia đình tôi cũng trồng khoai tây vụ xuân. Khoai tây vụ xuân luôn có giá cao hơn 20-30% so với khoai chính vụ. Hơn nữa, việc trồng khoai khá thuận lợi do gia đình có kinh nghiệm, các khâu dịch vụ như giống, làm đất… được hợp tác xã hỗ trợ".

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hương Ngải Nguyễn Đỗ Ban, vụ xuân 2020, xã có 12ha trồng khoai tây. Các hộ đều sử dụng giống khoai của Đức. Đây là giống khoai chất lượng cao, vỏ và ruột vàng, thời gian sinh trưởng 80-90 ngày, năng suất đạt 18-23 tấn/ha. Tuy nhiên, trong vụ xuân 2020, một số ruộng khoai trồng sớm bị ảnh hưởng bởi mưa đá đúng thời kỳ khoai tây hình thành củ nên năng suất giảm so mọi năm. Bù lại, khoai tây lại bán được với giá khá cao, khoảng 18.000 đồng/kg. Sau thu hoạch, những củ to được chọn để bán khoai thương phẩm; củ nhỏ được bảo quản làm giống cho vụ đông. Nhìn chung, thu nhập từ trồng khoai cao hơn nhiều so với cây lúa.

Thông tin thêm, bà Nguyễn Thị Soạn, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hương Ngải cho biết, nông dân Hương Ngải trồng được khoai tây trong vụ xuân do địa phương chủ động được nguồn giống. Với sự hỗ trợ kinh phí của huyện và xã viên đóng góp, hợp tác xã đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng kho lạnh bảo quản khoai giống với sức chứa hơn 100 tấn. Nhờ vậy, lượng giống đủ cung ứng cho xã viên và cung cấp giống cho người dân các xã lân cận. Trước đây, chưa có kho lạnh, nông dân làm đến đâu mua giống đến đó nên chi phí cho giống rất cao. Hiện nay, nhờ hợp tác xã chủ động khâu giống nên đã giúp giảm chi phí sản xuất… 

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, giống như nhãn chín muộn hay các loại rau trái vụ, việc trồng khoai tây lệch so với vụ chính thường bán được giá cao hơn. "Mô hình trồng khoai tây vụ xuân ở xã Hương Ngải chính là cách làm năng động, nhạy bén của hợp tác xã và xã viên. Từ mô hình này, chúng tôi khuyến khích các địa phương nên tham khảo để nhân rộng, tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân", ông Lượng nói.

Mới đây, khi thăm mô hình trồng khoai tây vụ xuân ở Hương Ngải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương Hợp tác xã Nông nghiệp xã Hương Ngải đã có cách làm hay trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng gợi ý: “Với năng suất và chất lượng cao, xã Hương Ngải cần đưa sản phẩm khoai tây vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để khai thác hiệu quả lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả khoai tây vụ xuân ở Hương Ngải