Đòn bẩy trong xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Mai| 21/02/2020 07:21

(HNM) - Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Với sự năng động, nhạy bén, một số hợp tác xã của Hà Nội hoạt động khá hiệu quả, qua đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo đòn bẩy trong xây dựng nông thôn mới.

Hợp tác xã Lại Yên (huyện Hoài Đức) đang thực hiện rất nhiều khâu dịch vụ, như: Làm đất, gặt, cung ứng phân bón... hỗ trợ tích cực cho xã viên. Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Lại Yên Nguyễn Thị Ngọ cho biết, từ năm 2017, hợp tác xã đã đầu tư 2 máy làm đất với kinh phí hơn 300 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu làm đất cho 100% diện tích canh tác toàn xã (86ha). Hiện tại, giá làm đất tại nhiều nơi thường là 160 nghìn đồng/sào nhưng hợp tác xã phục vụ nhân dân chỉ 120 nghìn đồng/sào. Hợp tác xã cũng đã liên kết với đơn vị có máy gặt lúa, phục vụ nhân dân với giá thấp hơn so với giá thị trường...

Ngoài ra, Hợp tác xã Lại Yên còn cung ứng dịch vụ phân bón trả chậm cho nông dân khoảng 30 tấn/vụ, khi thu hoạch, nông dân mới phải trả tiền mua phân bón, giá các loại phân bón thấp hơn thị trường từ 5% đến 10%. “Hợp tác xã có nhiều dịch vụ hỗ trợ xã viên nên diện tích sản xuất nông nghiệp của xã giữ vững, nông dân không bỏ ruộng và sản xuất hiệu quả tốt”, Chủ tịch UBND xã Lại Yên Đỗ Xuân Hùng khẳng định.

Trên địa bàn Hà Nội còn có nhiều hợp tác xã hoạt động hiệu quả, hỗ trợ tích cực xã viên, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Chẳng hạn, Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) đã có sản phẩm tham gia vào Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của thành phố Hà Nội, trong đó năm 2019 có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao (sản phẩm OCOP cấp thành phố), đó là: Xúc xích, giò và thịt lợn sinh học...

Hợp tác xã Nông nghiệp Đa Phúc (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) vừa làm các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa quản lý điện và chợ nông thôn. Đặc biệt, năm 2020, hợp tác xã có thêm dịch vụ tang văn minh hỗ trợ các hộ dân trong xã đăng ký khai tử, ký hợp đồng hỏa táng... cho người quá cố.

Theo thống kê của Sở NN& PTNT Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.053 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh những hợp tác xã hoạt động hiệu quả còn nhiều hợp tác xã gặp khó khăn.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm, trên địa bàn huyện có 47/78 hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả, chủ yếu là các hợp tác xã nông nghiệp cũ, đội ngũ lãnh đạo hạn chế về trình độ, các khâu dịch vụ khó cạnh tranh với thị trường. Còn ở huyện Hoài Đức, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Cao Văn Tuyến cho biết, đa số hợp tác xã trên địa bàn thiếu vốn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhưng rất khó tiếp cận vốn ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp…

Tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí thông tin, Hà Nội đang thực hiện Đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020”. Theo đó, năm 2019, Chi cục đã hỗ trợ 5 hợp tác xã một số mô hình về sản xuất lúa chất lượng cao, thâm canh cây bưởi Diễn...; đồng thời phối hợp với các quận, huyện, thị xã hỗ trợ các hợp tác xã tham gia hội chợ hoặc mua máy móc thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tập huấn cho cán bộ quản lý các hợp tác xã…

Về phía các hợp tác xã cũng cần tăng cường học tập kinh nghiệm từ những mô hình hiệu quả, chủ động vươn lên khắc phục khó khăn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đòn bẩy trong xây dựng nông thôn mới