Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ

Thanh Sắc| 16/02/2020 13:55

(HNNN) - Từ chỗ chỉ khảm vẽ theo các tích cổ, vốn chỉ cần công phu luyện rèn là có thể thành nghề, những người thợ tài hoa làng tranh khảm trai Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã thể hiện tài năng trong lĩnh vực khảm vẽ truyền thần, sáng tạo những mẫu tranh phong cảnh mới hoặc làm tranh theo ý tưởng của khách hàng... Sản phẩm của làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ nghìn năm tuổi không chỉ khẳng định vị thế ở thị trường trong nước mà còn có mặt tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Các công đoạn khảm trai đều đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo. Ảnh: Lê Bích

Ngàn năm vẫn còn hưng thịnh

Theo thần phả đình làng Chuôn Ngọ thì nghề khảm trai ở đây có từ thời nhà Lý (1010 - 1225) và tổ nghề là Trương Công Thành (? - 1099), người địa phương, đỗ Thái học sinh (tương đương Tiến sĩ), nguyên là võ tướng của triều đình. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nghệ thuật khảm trai Việt Nam đứng hàng đầu thế giới.

Nhà nghiên cứu người Pháp Henri Oger (1885 - 1963) nhận xét: “Thợ khảm là nhà nghệ thuật chân chính, nhẫn nại và khéo tay vô cùng. Họ biết phối hợp các màu sắc của vỏ trai để có sự hòa sắc đẹp mắt, làm cho bức khảm trở nên rực rỡ. Chính vì thế mà nghệ thuật khảm Việt Nam nổi trội, gần như độc quyền ở Viễn Đông. Những sản phẩm của người thợ khảm Việt Nam tốt hơn nhiều nếu so với sản phẩm của người thợ khảm Quảng Đông”.

Tự học nghề, thành nghề và giỏi nghề, Trương Công Thành đã tạo nên những tác phẩm chạm khảm trai đầu tiên ở làng Chuôn Ngọ, rồi truyền lại cho dân làng. Nghề khảm chữ, khảm tranh trên mặt gỗ ra đời từ đó. Qua thời gian, nguyên liệu khảm trai được bổ sung thêm, không chỉ có nhiều loại vỏ trai (trai cánh, trai vân, trai ngọc môi vàng…) mà còn có nhiều loại vỏ ốc quý (vỏ ốc khảm xanh, vỏ ốc thoi, vỏ ốc đỏ...), mẫu mã đa dạng hơn và chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên.

Theo nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ, nghề khảm trai cần có rất nhiều dụng cụ như: Cưa mỹ nghệ; bàn tỳ tay để cưa, giũa vỏ trai; giũa; dao và đe; bàn hộp kính để tô đậm nét vẽ lên mảnh vỏ trai; bút tỉa để vẽ nét mực nho lên vỏ trai; bút đanh nhọn dùng để căn họa tiết lên nền vóc trước khi đục; guốc gỗ lót tay để cầm các mảnh vỏ trai; rồi còn bay xương, mo sừng, bộ lưỡi đục nhiều kích cỡ...

Có 6 công đoạn khảm trai cơ bản là: Vẽ mẫu cho bức tranh; cưa trai theo nét vẽ; đục gỗ; gắn trai vào gỗ; mài khảm, thể hiện đường nét; dùng bột đen làm rõ các chi tiết của bức tranh. Trong đó, việc cẩn xà cừ đòi hỏi thao tác liên hoàn ở trình độ rất cao: Dựa theo nét vẽ, nghệ nhân sẽ đục gỗ và gắn nguyên liệu họa tiết lên đó. Sau khi cẩn tranh thì tỉa gọn, đánh bóng (mài khảm) rồi vẽ nét.

Để cưa, đục các mảnh trai không bị vỡ, nghệ nhân phải mài thủ công, ngâm rượu, hơ lửa rồi chẻ dóc, sau đó chọn lựa các miếng trai đầy đủ cho mặt tranh, có khi cần đến hàng trăm, hàng nghìn miếng trai nhỏ, nhiều màu sắc. Điều dễ nhận thấy ở tranh khảm trai Chuôn Ngọ là các mảnh trai trên bức tranh gỗ rất phẳng, rất khít, không bị vỡ, các chi tiết trang trí thì rất sinh động, đặc sắc.

Anh: Các công đoạn khảm trai đều đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo. Ảnh: Lê Bích

Cho đến thế kỷ XIX, nghề tranh khảm trai Chuôn Ngọ đã phát triển đến đỉnh cao với việc xuất hiện một lớp nghệ nhân khảm vẽ truyền thần chân dung. Việc khảm vẽ theo tích cổ, vốn chiếm phần lớn công việc ở làng nghề, thì chỉ cần công phu luyện rèn là có thể thành nghề, nhưng những nghệ nhân tài hoa thật sự phải là người theo việc khảm vẽ truyền thần, sáng tạo những mẫu tranh mới về phong cảnh hoặc làm tranh theo ý tưởng của khách hàng...

Các nghệ nhân Chuôn Ngọ như Văn Phú, Lý Mục, Cửu Phú, Nhiêu Minh, Phó Loan, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Nhiên, Trần Bá Chuyển đã khảm vẽ truyền thần rất nhiều chân dung vua chúa, quan lại triều đình. Vào nửa sau thế kỷ XX, lại có thêm những nghệ nhân, có người còn rất trẻ, đã tạo nên cột mốc mới trong việc khảm vẽ truyền thần, tiêu biểu là nghệ nhân Trần Bá Dinh, người đã khảm tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó là chân dung Chủ tịch Cuba Fidel Castro. Đó còn là các nghệ nhân như Nguyễn Duy Hải, Nguyễn Đức Biết, Trần Bá Năm, Trần Bá Trúc... Đặc biệt, nghệ nhân Nguyễn Văn Lãng khi mới 30 tuổi đã khảm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với khổ lớn nhất tính cho đến nay (1,42m x 1,2m).

Một địa chỉ du lịch làng nghề hấp dẫn

Những năm qua, nhờ có sự phát triển của du lịch làng nghề mà nhiều du khách đã biết danh tiếng làng nghề và tới thăm, tận mắt chứng kiến tài hoa của những người thợ Chuôn Ngọ.

Về Chuôn Ngọ hôm nay, trước khi đi thăm các xưởng, du khách vào thăm ngôi đình thờ tổ nghề được xây dựng lại vào năm 2002 trên nền của ngôi đình cũ đã bị chiến tranh tàn phá. Tại đây có rất nhiều tác phẩm được trưng bày (do dân làng và du khách cung tiến). Trong số hoành phi, câu đối được tạo tác tuyệt đẹp, nổi bật là bức đại tự khảm lớn được tạo hoàn toàn bằng chất liệu xà cừ (ốc đỏ), chạm khảm 4 chữ Hán lớn “Công cái hoàn vũ” (Công đầu bảo vệ bờ cõi). Đây là một cách giới thiệu rất ấn tượng về trình độ tay nghề người thợ Chuôn Ngọ.

Nếu về làng vào ngày mùng 9 tháng Giêng hoặc ngày 9 tháng Tám (âm lịch), du khách sẽ được dự lễ lớn tưởng nhớ công lao của tổ nghề khảm trai. Trong lòng mỗi người dân Chuôn Ngọ đều khắc ghi lời tâm huyết như câu văn ghi tại đình làng: “Luôn luôn biết ơn mảnh đất thiêng liêng này đã cho dân làng cuộc sống thịnh vượng nhờ có nghề truyền thống của tổ tiên và nguyện sẽ phát triển nghề mãi mãi”. Nhiều thế kỷ qua, dân làng đã thực hiện tốt điều đó, không chỉ phát triển nghề ở làng, xã mà từ xưa đã lập ra phố nghề ở kinh thành Thăng Long để mở mang không gian làm nghề.

Đi sâu vào làng, du khách sẽ có dịp tìm hiểu nét đặc sắc riêng có, không thể trộn lẫn của nghệ thuật khảm trai Chuôn Ngọ so với các làng nghề cùng loại. Theo nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Trâm, cái tài của người thợ - nghệ sĩ ở đây trước hết là “con mắt nghề”, thực chất là sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa.

Ngay ở các sản phẩm nương theo tích cổ, người thợ cũng không đơn thuần chép lại mà có sự sáng tạo để phản ánh cái mới. Cũ ở đây là tích cổ, chuyện xưa, mới ở đây là nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm, vì thế, ẩn chứa trong đó triết lý sống đã được chiêm nghiệm, đúc kết, lưu truyền qua bao đời. Người thợ, tuy chỉ làm trong xưởng, nhiều lúc tưởng như cô độc nhưng thực ra đang tương tác nhiều chiều  với xưa, với nay, với nhiều đối tượng gián tiếp. Thực chất, đó là quá trình vừa làm, vừa học để sáng tạo không ngừng.

Từ buổi ông tổ khai nghề đến nay, nghề khảm trai Chuôn Ngọ vẫn duy trì hoạt động tốt và thị trường thêm rộng mở. Những nghệ nhân tâm huyết đã đi đầu trong việc giữ nghề, truyền nghề để người làng không chỉ phát triển kinh tế mà còn bồi đắp, phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề truyền thống. Nhiều người trong làng nghề đã thấy thêm một hướng đi mới khi kết hợp sản xuất, kinh doanh với phát triển du lịch. Họ mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ để nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái làng nghề hấp dẫn ở Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ