Người "giữ hồn" cho nghề nón làng Chuông

Dung - Bắc| 12/02/2020 06:46

(HNM) - Ngày đầu xuân, chúng tôi đến cơ sở sản xuất nón của nghệ nhân Tạ Thu Hương ở làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Say mê với nghề làm nón, nghệ nhân Tạ Thu Hương không chỉ "giữ hồn" giá trị văn hóa truyền thống của nón lá mà còn góp phần đưa nón làng Chuông tiếp tục vươn ra thế giới mang theo những nét đẹp của văn hóa Việt Nam…

Anh: Nghệ nhân Tạ Thu Hương (bên trái) đang giới thiệu sản phẩm nón lụa cho khách hàng.

Cái duyên với nghề

Người dân làng Chuông gọi nghệ nhân Tạ Thu Hương với cái tên trìu mến là “Hương nón” và dành sự trân trọng cho người đã khơi dậy niềm đam mê với nghề truyền thống cũng như lưu giữ những giá trị của nghề nón làng Chuông trước nguy cơ mai một của thời mở cửa thị trường…

Nhìn dáng vẻ bên ngoài, không mấy ai nghĩ nghệ nhân Tạ Thu Hương (sinh năm 1968) đã từng trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Từ khi mới 7 tuổi, chị đã quen với công việc của người thợ làm nón. Nhưng rồi những biến động của thị trường đã ảnh hưởng lớn đến nghề, khi chẳng mấy người còn thiết tha với nghề làm nón. Nhưng với chị, ý nghĩ gìn giữ và phát triển nghề làm nón truyền thống cứ thôi thúc trong tâm trí.

Nói về cái duyên với nghề, nghệ nhân Tạ Thu Hương kể lại, khi học xong trung học phổ thông, chị đã mang những chiếc nón lá của quê mình ra Hà Nội bán ở khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm. Chủ yếu là bán lẻ cho khách du lịch nên số lượng không nhiều. Tình cờ, năm 1988 chị kết nối được với một khách hàng có nhu cầu đặt gần 10.000 chiếc nón để mang ra nước ngoài, thời gian giao hàng trong vòng một tháng. Nhận được đơn hàng lớn đầu tiên, chị rất run vì lúc đó chưa biết về làng sẽ phải làm thế nào. Khi đã bình tâm lại, chị nghĩ đây là cơ hội để khẳng định thương hiệu nón làng Chuông. Chị lập tức đến từng nhà trong làng để thuê người làm. Sẵn kinh nghiệm của người dân làng nghề hàng trăm năm tuổi cùng sự cần mẫn ngày đêm, đơn hàng đầu tiên được giao với thời gian và chất lượng bảo đảm…

“Cầm số tiền lãi dù không nhiều nhưng tôi vui lắm, cả đêm không ngủ, thao thức nghĩ về nghề nón của làng mình: Nếu không tìm được cơ hội mới để phát triển, sẽ bị lụi tàn theo năm tháng. Tôi đã nỗ lực rất nhiều trong việc mở rộng quan hệ, tìm kiếm “đầu ra” cho nón làng Chuông. Khi đơn hàng nhiều hơn, năm 2000, tôi thành lập cơ sở thu gom nón lá truyền thống...” - chị Hương nhớ lại.

Nói về nghệ nhân của nghề nón làng Chuông, bà Nguyễn Thị Sỹ, ở thôn Quang Trung, xã Phương Trung bày tỏ sự thán phục: “Chứng kiến những vất vả của người làm nghề cũng như sự nhanh nhẹn, nhạy bén với nghề của chị Hương, cùng là phụ nữ với nhau tôi chỉ có thể nói: Thật đáng khâm phục! Nghề làm nón ở làng Chuông có từ lâu đời, nhưng làm giàu được từ nghề nón thì cả làng chỉ có một mình chị ấy. Cũng nhờ những đơn hàng của chị Hương mà người dân quê tôi có thêm việc làm. Như tôi, đã hơn 80 tuổi chỉ làm được một vài công đoạn nhẹ nhàng, nhưng mỗi ngày cũng có được vài chục nghìn đồng đủ chi tiêu cho sinh hoạt...”.

Sáng tạo những chiếc nón mang tâm hồn Việt

Với tâm niệm từ chiếc nón lá truyền thống của quê hương, cần tạo ra nhiều sản phẩm thu hút khách hàng. Từ tri thức tích lũy trong những chuyến ra nước ngoài tìm hiểu thị hiếu khách hàng và việc tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm cách làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại các hội chợ làng nghề, nghệ nhân Tạ Thu Hương đã sáng tạo ra nhiều mẫu nón lá độc đáo, chứa đựng trong đó tình yêu quê hương đất nước.

Chị Hương tâm sự: “Để có thể tồn tại và duy trì việc sản xuất và xuất khẩu nón lá làng Chuông ra thị trường quốc tế là điều không dễ dàng. Một chiếc nón đẹp phải hội tụ các yếu tố: Lá trắng, vòng đẹp, các mũi khâu đều tay, không lộ lỗ kim, mái nón phẳng, không để lọt nắng dưới ánh mặt trời… Kỳ công là vậy, nhưng những chiếc nón làng Chuông đẹp nhất cũng chỉ bán được 100.000 đồng/chiếc, còn lại bình quân 50.000-70.000 đồng/chiếc; trừ chi phí, người thợ nón thu nhập khoảng 50.000 đồng/ngày. Thế nên, phải tạo được những sản phẩm độc đáo, thu hút khách du lịch để từ đó, tăng thu nhập cho gia đình và người dân làng nghề. Từ suy nghĩ đó tôi đã thử làm những chiếc nón chùm, nón xòe, nón Lâm Sung, nón thêu phong cảnh…”.

Và có lẽ độc đáo nhất trong số những sản phẩm nón Chuông ở thời điểm hiện tại là nón lụa Hà Đông. Dựa trên quy trình làm nón truyền thống, bên trong chiếc nón vẫn dùng lá và mo nhưng bên ngoài thì thay lá bằng lụa. Là một thợ lâu năm làm việc tại cơ sở sản xuất của nghệ nhân Tạ Thu Hương, bà Bùi Thị Thủy ở thôn Liên Tân, xã Phương Trung cho biết, làm ra được những chiếc nón lụa không đơn giản, khi đưa lụa vào, phải căng đều và người khâu nón cũng phải có tay nghề cao mới làm được. Chưa kể việc phối màu sắc, hoa văn, vẽ phong cảnh đòi hỏi rất cao về tính thẩm mỹ. Những chiếc nón lụa như vậy, hiện có giá từ 200.000 đến 250.000 đồng/chiếc, theo đó thu nhập của người làm nón lụa cũng tăng cao…

Từ làng Chuông, những chiếc nón lá mang tâm hồn Việt đã theo du khách đi khắp nơi trên thế giới. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất của nghệ nhân Tạ Thu Hương xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu 5.000-6.000 chiếc nón lụa và nón thêu phong cảnh, không chỉ mang về nguồn thu nhập cao cho gia đình mà còn tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên với mức lương trung bình 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Để "giữ hồn" và tiếp thêm sức sống cho nghề, chị Hương còn mở lớp dạy làm nón lá cho hàng trăm lao động trong xã. Khi những thanh thiếu niên đến tham quan cơ sở sản xuất sẽ hiểu biết hơn về nghề làm nón, từ đó biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đánh giá về những đóng góp của nghệ nhân Tạ Thu Hương cho nghề nón quê hương, Chủ tịch UBND xã Phương Trung Phạm Việt Hùng cho biết: "Nghệ nhân Tạ Thu Hương không chỉ là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, ham học hỏi, mà còn nhạy bén với thị trường. Chị Hương đã tạo ra nhiều sản phẩm nón độc đáo, lạ mắt để quảng bá thương hiệu nón làng Chuông ở thị trường trong và ngoài nước. Ngoài việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nón lá, chị Hương đã liên kết với các tour du lịch đưa khách về thăm làng kết hợp chỉ dẫn khách trải nghiệm quy trình làm nón tại làng nghề, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương…".

“Tôi đang ấp ủ sẽ làm thêm sản phẩm nón từ lá sen. Cùng với nón lá truyền thống, nón lụa Hà Đông, nón lá sen là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam; đồng thời, tạo nguồn thu nhập xứng tầm cho người làm nón Phương Trung. Từ đó, người làng nghề sẽ có thêm điều kiện chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp” - ánh mắt chị Hương lấp lánh hy vọng. Chúng tôi tin chị và người làng Chuông chắc chắn sẽ thành công!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người "giữ hồn" cho nghề nón làng Chuông